Tìm thị trường mới cho xuất khẩu lao động

10:08, 13/08/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Xuất khẩu lao động (XKLĐ) là một trong những giải pháp quan trọng góp phần xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, từ năm 2009 đến nay, tỷ lệ người dân tham gia XKLĐ trên địa bàn huyện Sơn Tây lại giảm dần.

TIN LIÊN QUAN

Hiệu quả chưa như mong đợi

Từ 2009-2017, huyện Sơn Tây có 134 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Trong đó, lao động về nước đúng hạn 74 người, về nước trước hạn là 37 người, lao động đang làm việc 19 người. Đa số lao động này có trình độ chuyên môn không cao, làm việc tại Malaysia. 

Phần lớn lao động ở huyện Sơn Tây chưa qua đào tạo, nên khó có thu nhập cao khi tham gia xuất khẩu lao động.
Phần lớn lao động ở huyện Sơn Tây chưa qua đào tạo, nên khó có thu nhập cao khi tham gia xuất khẩu lao động.

 

Chủ tịch UBND xã Sơn Long Đỗ Thanh Vượt cho biết, tuy làm việc tại Malaysia, nhưng mức lương của những lao động này cũng giống như làm việc ở trong nước, nên sau khi hết hạn hợp đồng trở về nước thì điều kiện kinh tế của họ cũng không khá hơn. Vì thế, giờ đây nghe tuyên truyền vận động XKLĐ sang thị trường Malaysia thì người dân rất ái ngại.

Sau 10 năm triển khai, công tác XKLĐ trên địa bàn huyện Sơn Tây mang lại hiệu quả chưa như mong muốn. Với những trường hợp lao động trở về nước trước thời hạn, các cơ quan chức năng đã tổ chức đối thoại, nhằm kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động. Những trường hợp này cho biết, nguyên nhân về nước trước hạn là vì không được làm việc theo đúng giờ đã giao kết trong hợp đồng, lương thấp, điều kiện làm việc và sinh hoạt không đảm bảo...

 

"Từ năm 2017 đến nay, công tác XKLĐ ở huyện Sơn Tây gần như không thực hiện được. Một số xã nhiều năm không có người tham gia XKLĐ. Kết quả này xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân, trong đó một phần là do tập quán sinh sống của người dân ở đây khác rất nhiều so với ở nước ngoài. Trình độ chuyên môn của người tham gia XKLĐ cũng không cao, nên chủ yếu chỉ XKLĐ sang Malaysia".


Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Sơn Tây NGUYỄN VĂN BIÊN

Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Sơn Tây Nguyễn Văn Biên cho biết, hiện nay việc vận động người dân tham gia XKLĐ trên địa bàn huyện đang gặp nhiều khó khăn. Đối với những lao động về nước trước hạn, huyện đang kiến nghị với các cơ quan chức năng của tỉnh hoàn thiện hồ sơ, xem xét xử lý nợ rủi ro...

Đẩy mạnh XKLĐ sang Hàn Quốc

Để nâng cao hiệu quả công tác XKLĐ, bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền những chính sách hỗ trợ cho người tham gia XKLĐ; mở các lớp tập huấn về nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác tuyên truyền vận động người dân đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, huyện Sơn Tây còn tập trung khai thác thị trường lao động ở Hàn Quốc. Đây là thị trường “khó tính”, nhưng có mức lương cơ bản 26 triệu đồng/tháng; chi phí ăn, ở được chủ sử dụng lao động lo 100%.

Ông Nguyễn Văn Biên cho biết, đây là lần đầu tiên huyện đưa người lao động sang thị trường Hàn Quốc. Số lao động đăng ký đi XKLĐ ở Hàn Quốc lần này có trình độ học vấn ở mức tương đối. Lực lượng này hiện đang học tiếng Hàn Quốc và phải trải qua một kỳ sát hạch tiếng Hàn Quốc. Ngành nghề chúng tôi định hướng cho lực lượng tham gia XKLĐ sang Hàn Quốc là khối ngành nông nghiệp, xây dựng, sát với sở trường của người lao động địa phương. Thời gian người lao động ăn ở, học tập, chi phí khám sức khỏe trước khi thi sát hạch qua Hàn Quốc gần như được đài thọ.

Tuy nhiên, khó khăn nhất là chỉ trong một tháng rưỡi học tiếng Hàn Quốc, nên rất khó để người lao động tham gia XKLĐ vượt qua được kỳ thi sát hạch. "Định hướng thị trường là vậy, nhưng có thành công hay không còn phụ thuộc rất lớn vào ý chí phấn đấu của người tham gia XKLĐ. Còn về mặt pháp lý, cũng như hỗ trợ vay vốn, ăn ở cho người tham gia XKLĐ, huyện hỗ trợ tối đa", ông Biên cho biết.


Bài, ảnh: NGỌC VIÊN



 


.