(Báo Quảng Ngãi)- Cho vay xuất khẩu lao động (XKLĐ) là kênh tín dụng giúp hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số... có điều kiện ra nước ngoài lao động để cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, nguồn vốn này vẫn còn nhiều thủ tục ràng buộc, dẫn đến người có nhu cầu vay lại khó tiếp cận.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Theo Nghị định 61/CP, người lao động (LĐ) được hỗ trợ vay 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài được ghi trong hợp đồng. Đối với mức vay trên 50 triệu đồng thì người vay phải có tài sản bảo đảm. Đây là quy định nhằm để người LĐ có trách nhiệm với khoản vay và hạn chế rủi ro. Tuy nhiên, nhiều LĐ thuộc diện hộ nghèo có nhu cầu đi làm việc ở những thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc có mức chi phí cao, nhưng lại không có tài sản để thế chấp.
Tư vấn thực tập sinh đi làm việc tại Nhật Bản. |
Một khó khăn nữa là, các doanh nghiệp tham gia tuyển dụng XKLĐ phản ánh, dù đã được cấp giấy phép hoạt động, nhưng từ giữa năm 2016 đến nay, Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu doanh nghiệp khi tuyển dụng người đi làm việc ở nước ngoài phải có công văn của bộ, trong đó nêu rõ số lượng người, đất nước, nơi đến làm việc. Chính quy định này khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc vay vốn cho LĐ nghèo đi XKLĐ.
Nếu không có công văn từng đợt của Bộ LĐ-TB&XH thì không được xem là đủ điều kiện giúp người LĐ tiếp cận vốn vay của Ngân hàng CSXH. Từ đầu năm đến nay, Quảng Ngãi có 418 người tham gia XKLĐ. Tuy nhiên, theo thống kê của Ngân hàng CSXH tỉnh thì chỉ có 52 người vay vốn theo Nghị định 61/CP, Quyết định 71 và Quyết định 365 của Chính phủ.
Trước những vướng mắc trong vay XKLĐ, đại diện Sở LĐ-TB&XH cho biết, hiện nay Bộ LĐ-TB&XH đang dự thảo quyết định về tín dụng đối với người lao động vay XKLĐ. Theo dự thảo, đối tượng và điều kiện được vay vốn là người lao động cư trú hợp pháp tại huyện nghèo, huyện thoát nghèo và xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được UBND xã xác nhận; có hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài ký với doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp hoặc hợp đồng cá nhân ký trực tiếp với chủ sử dụng người nước ngoài theo quy định pháp luật hiện hành.
Mức vay tối đa là 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ký kết giữa người LĐ và doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hoặc hợp đồng cá nhân ký trực tiếp với chủ sử dụng người nước ngoài và theo các mức trần chi phí quy định theo từng thị trường.
Người LĐ thuộc các hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số được vay vốn với lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo theo từng thời điểm do Thủ tướng Chính phủ quy định. Các đối tượng còn lại được vay vốn với lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo theo từng thời điểm do Thủ tướng Chính phủ quy định.
Bài, ảnh: VŨ YẾN