Chung tay bảo vệ môi trường biển

02:06, 05/06/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Rác thải nhựa, nilon đã và đang trở thành hiểm họa đối với môi trường biển, làm ảnh hưởng đến đời sống cư dân ven biển. Do đó, các ngành chức năng và cộng đồng cần chung tay bảo vệ môi trường biển.

TIN LIÊN QUAN

Theo báo cáo của Tổ chức Bảo tồn đại dương, Việt Nam đang là nước nằm trong tốp 5 của Châu Á về số lượng rác thải nhựa thải ra đại dương. Cũng theo tổ chức này, với tốc độ xả chất thải nhựa ra biển ở các nước như hiện nay, thì tới năm 2025, cứ 3 tấn cá sẽ có 1 tấn rác thải nhựa. Vì thế, chủ đề Ngày Môi trường thế giới (5.6) năm 2018 được đưa ra là “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon”, nhằm kêu gọi mọi người thay đổi thói quen trong cuộc sống hằng ngày, giảm gánh nặng ô nhiễm nhựa, nilon cho môi trường biển.

Diễu hành tuyên truyền nhân Tháng hành động vì môi trường tại huyện Lý Sơn.                                                                                                                                         Ảnh: N.Viên
Diễu hành tuyên truyền nhân Tháng hành động vì môi trường tại huyện Lý Sơn. Ảnh: N.Viên


Tại Việt Nam, lượng rác thải nhựa thải ra rất lớn, nhưng số lượng được thu gom, tái chế còn khá thấp. Đây được xem là một trong những nguyên nhân chính khiến rác thải nhựa, nilon không được xử lý triệt để. Với Quảng Ngãi, công tác phân loại rác tại nguồn cũng chưa được thực hiện. Công nghệ xử lý rác thải chủ yếu vẫn là chôn lấp.

 Hướng đến một Lý Sơn "sạch- đẹp"

Đến giữa tháng 5.2018, Lý Sơn đã đón trên 50 nghìn lượt khách trong và ngoài tỉnh, trong đó có trên 400 lượt khách quốc tế. Do đó, lượng rác thải trên địa bàn đảo cũng gia tăng. Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương cho biết, để xây dựng đảo Lý Sơn "sạch- đẹp" trong mắt du khách, UBND huyện đã giao cho Phòng TN&MT phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường thu gom rác thải ở các điểm du lịch có đông du khách đến tham quan. Cùng với đó là vận động người dân hạn chế sử dụng túi nilon, sử dụng đúng cách thuốc bảo vệ thực vật khi trồng hành, tỏi; yêu cầu Nhà máy xử lý rác thải tăng công suất hoạt động và mở rộng quy mô thu gom rác thải...

Hiện nay, số lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng 500 tấn/ngày, dẫn đến nhiều bãi rác trên địa bàn tỉnh quá tải. Công nghệ xử lý rác thải lạc hậu, số lượng chất thải rắn không ngừng gia tăng; đặc biệt là chất thải nhựa, nilon không được chú trọng thu gom, phân loại, xử lý, nhất là tại các địa phương ven biển. Vì vậy, tình trạng rác thải nhựa, nilon phát sinh bị người dân thải ra biển đã và đang tiếp tục diễn ra.

Hiện nay, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt trong khu vực đô thị ở tỉnh ta đạt khá cao (khoảng 78 – 80%), nhưng ở nông thôn vẫn còn khiêm tốn (chỉ 40 – 50%). Do đó, lượng rác thải còn lại ở nông thôn được người dân xử lý bằng cách đốt, tự chôn lấp hoặc xả ra các kênh và sông rồi trôi ra biển.

 Rác thải nhựa tại bãi biển thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu (Bình Sơn).                                                                                                                               Ảnh: Ý THU
Rác thải nhựa tại bãi biển thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu (Bình Sơn). Ảnh: Ý THU


Để khắc phục tình trạng xả rác thải nhựa, nilon ra biển, tỉnh cần chỉ đạo mở rộng mạng lưới thu gom rác thải ở khu vực nông thôn và sử dụng công nghệ đốt rác thay cho chôn lấp và tìm kiếm các nguyên liệu khác dần thay thế cho nhựa, nilon. Cùng với đó là tăng cường các biện pháp tuyên truyền, nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc hạn chế sử dụng các vật dụng làm bằng nhựa, nilon trong cuộc sống hằng ngày.

Ý THU - VIÊN


 


.