(Báo Quảng Ngãi)- Đầu tư công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn là nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, nên có hàng trăm công trình xây dựng xong không phát huy được hiệu quả, gây lãng phí ngân sách đầu tư.
Xã nông thôn mới vẫn thiếu nước sinh hoạt
Tịnh Giang là xã nông thôn mới của huyện Sơn Tịnh, nhưng nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân ở thôn An Hòa, An Kim vẫn thiếu nước sinh hoạt, mặc dù được đầu tư công trình nước sạch. Mới đầu mùa nắng nóng 2018, nhưng người dân phải chật vật đi lấy nước ở các thôn khác về dùng. Chủ tịch UBND xã Tịnh Giang Huỳnh Văn Quyết cho biết, người dân đã nhiều lần phản ánh tình trạng này qua các cuộc tiếp xúc cử tri, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục. Mới đây, đoàn khảo sát của Sở NN&PTNT đã lên kiểm tra, nhưng không biết đến khi nào mới bố trí nguồn vốn để làm mới hoặc sửa chữa công trình nước sạch cũ.
Công trình cấp nước sạch ở xã Trà Lãnh (Tây Trà) không còn hoạt động. |
Còn ở xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi), nhiều hộ dân nơi đây cũng đang mong mỏi có nguồn nước sinh hoạt để dùng vào mùa nắng nóng, để khỏi cảnh chạy đôn chạy đáo mua nước như hiện nay. Chủ tịch UBND xã Tịnh Kỳ Trần Đình Tiến cho hay, hiện Trung tâm NS&VSMTNT tỉnh đang sửa chữa lại công trình nước sạch trên địa bàn xã. Người dân rất mong đơn vị chức năng đẩy nhanh tiến độ thực hiện, vì nhu cầu sử dụng nước sạch của bà con trong xã là rất lớn.
Đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có 495 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung, trong đó có 34 công trình hoạt động bền vững, 214 công trình hoạt động trung bình, 107 công trình hoạt động kém hiệu quả và 140 công trình không còn hoạt động. |
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Giám đốc Trung tâm NS&VSMTNT Lê Văn Minh cho biết: Một số công trình sau khi đầu tư xây dựng hoàn thành, chủ đầu tư không thực hiện chạy thử, kiểm tra các thông số kỹ thuật, chất lượng nước, không xây dựng quy trình quản lý vận hành, không có kế hoạch đào tạo đội ngũ nhân lực vận hành dẫn đến công trình nhanh xuống cấp. Ngoài ra, công tác quản lý vận hành sau đầu tư chưa được quan tâm. Lãnh đạo UBND xã đại diện đứng ra tiếp nhận công trình, sau đó giao cho các trưởng thôn quản lý vận hành (cộng đồng quản lý), nhưng họ không có chuyên môn, nghiệp vụ để vận hành; công tác duy tu, bảo dưỡng không được thực hiện. Một số công trình đầu tư không có sự tham gia của người dân vùng hưởng lợi, dẫn đến công trình đưa vào vận hành người dân không sử dụng nước hoặc số người sử dụng rất hạn chế, nên không thu được tiền sử dụng nước (các xã miền núi) hoặc nguồn thu không đủ chi phí nhân công, duy tu bảo dưỡng...
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95%. Do đó, tỉnh cần bố trí kinh phí để sửa chữa, nâng cấp các công trình cấp nước sinh hoạt. Từ năm 2013 - 2017 đã có 150 công trình được sửa chữa, nâng cấp bằng các nguồn vốn duy tu, bảo dưỡng, thuộc Chương trình 30a, giảm nghèo...
Giám đốc Trung tâm NS&VSMTNT Lê Văn Minh cho biết thêm, trung tâm đã tham mưu cho Sở NN&PTNT đề xuất Sở KH&ĐT trình UBND tỉnh ban hành quyết định về việc phân bổ kế hoạch vốn đầu tư ngân sách tỉnh năm 2017, chuẩn bị đầu tư các dự án khởi công mới năm 2018-2019. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung và hỗ trợ kinh phí quản lý, sửa chữa nhỏ cho các công trình cấp nước tập trung tại các xã miền núi, trung tâm đã tham mưu cho Sở NN&PTNT xây dựng Quy chế đầu tư, xây dựng và quản lý, khai thác công trình cấp nước nông thôn tập trung trên địa bàn tỉnh. Dự thảo quy chế này đang gửi Sở Tư pháp thẩm định theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh.
Bài, ảnh: NGỌC VIÊN