(Baoquangngai.vn)- Khi đến với Sơn Mỹ, những cựu binh Mỹ thật sự nghẹn ngào, trước những nỗi đau mà người dân nơi đây đã phải gánh chịu cách đây tròn 50 năm. Hôm nay, bức tranh yên bình, sự hồi sinh, trỗi dậy của mảnh đất và con người nơi đây càng khiến họ khâm phục hơn về sự kiên cường, bản lĩnh của người dân Việt Nam.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Mỗi dịp tháng 3 về, vùng quê Sơn Mỹ lại đón hàng nghìn du khách trong và ngoài nước về Quảng Ngãi thăm mảnh đất đau thương Mỹ Lai- Sơn Mỹ, xã Tịnh Khê, TP.Quảng Ngãi. Trong hàng nghìn lượt khách về với Sơn Mỹ, có rất nhiều đoàn khách nước ngoài trong đó có những cựu binh Mỹ.
Từng trường đoạn thuyết minh vang lên trong các khán phòng của Khu chứng tích Sơn Mỹ, nơi tưởng niệm 504 thường dân đã ngã xuống, cả đoàn khách là những cựu binh nước Mỹ lặng thinh, với những nỗi đau trên từng bức ảnh, hiện vật được bày trí, tái hiện lại tại đây.
Những cựu binh và người thân đến thăm Khu chứng tích Sơn Mỹ. |
Là người lần đầu tiên đến với mảnh đất và con người nơi đây, dù không trực tiếp tham chiến, không chứng kiến được sự hung tợn của đồng đội mình trong vụ thảm sát năm xưa nhưng ông Gaylon Heiner, một cựu binh Mỹ không khỏi xúc động, trước những gì được xem.
“Chiến tranh quả thật quá tàn nhẫn, rùng rợn. Tôi đã từng nghe kể nhiều về cuộc chiến của những người đồng đội mình với những người dân nhỏ bé nơi đây. Nhưng khi đến với nơi này tôi...” giọng ông Gaylon Heiner chùng xuống, gắng gượng với những giọt nước mắt.
Nghe đến đây, ông David Heiner- một cựu binh Mỹ đi trong đoàn, người từng có thời gian tham chiến tại Việt Nam vội quay mặt đi hướng khác. Đây lần đầu tiên ông trở lại Việt Nam. Đi cùng với ông còn có cả gia đình và người thân.
Với ông hai từ “xin lỗi” luôn hiện diện trong tâm trí nhưng không thể cất lên thành lời, vì không thể bù đắp cho những mất mát, đau thương mà người dân ở đây đã gánh chịu. Ngày hôm nay, sau bao nhiêu năm trở lại, những ký ức, đặc biệt là giai đoạn ông đóng quân ở Quảng Ngãi như được khơi dậy.
Cựu binh David Heiner lặng người khi chứng kiến những hình ảnh đau thương trong vụ thảm sát Sơn Mỹ. |
Ông kể rằng, năm 1969 ông được phân công vào Sư đoàn 23- Bộ binh Mỹ và đưa đến Việt Nam để tham gia các cuộc chiến tại Quảng Ngãi. Quá trình tham chiến tại Quảng Ngãi, nhiều lần ông đặt chân đến Sơn Mỹ. Trong suốt quá trình ấy, người cựu binh Mỹ đã chứng kiến sự quả cảm, kiên cường của quân và dân Việt Nam khi bảo vệ đất nước.
Ông đã ngộ ra nhiều điều về chiến tranh Việt Nam, về những điều mà người lính Mỹ được giáo dục hoàn toàn khác với những gì họ được chứng kiến từ cuộc chiến.
“Chúng tôi trở lại đây không để tìm lại ký ức, tìm lại quá khứ năm xưa mà muốn một phần nào đó mong muốn nhận được sự tha thứ, nhân thêm giá trị về lòng nhân ái, yêu thương, mang thông điệp hòa bình đến với tất cả mọi người”, ông David Heiner bộc bạch.
Đến tận hôm nay, điều ông vui mừng nhất, đó là sự thay đổi không ngờ ở mảnh đất này, nghị lực can trường của người dân. Gạt đi những đau thương tột cùng của chiến tranh, họ đã cùng nhau xây dựng nên một quê hương giàu đẹp hơn những gì ông nghĩ.
“Khung cảnh Sơn Mỹ hôm nay thật yên bình. Cuộc sống của người dân ngày càng ấm no hơn, chúng tôi như được an ủi phần nào”, ông David Heiner nghẹn ngào.
Lang thang trên khuôn viên của Khu chứng tích và các con đường làng ở Sơn Mỹ- Tịnh Khê, nhận được những nụ cười nồng hậu, ấm áp, lòng vị tha của người dân càng khiến ông và gia đình vơi bớt nỗi ray rứt trong lòng bao nhiêu năm qua.
Ông và cả đoàn quyết định sẽ ở lại Quảng Ngãi nhiều ngày hơn và khi trở về với xứ sở cờ Hoa, với sự nỗ lực của mình, ông và mọi người sẽ góp phần truyền thông điệp hòa bình đến tất cả mọi người, để không ai và không nơi nào phải gánh chịu nỗi đau như người dân Sơn Mỹ đã từng phải chịu đựng.
H.P- Gia Nghi