(Báo Quảng Ngãi)- Hai bác sĩ tuổi đời còn trẻ, sau khi ra trường đều về quê hương công tác. Điểm chung giữa họ là khát khao được cống hiến sức trẻ, được đem những kiến thức y khoa và lòng yêu nghề để chăm sóc sức khỏe cho đồng bào vùng cao.
TIN LIÊN QUAN
Chọn nơi... khó khăn
Sau khi kết thúc chương trình học, bác sĩ Đinh Cao Cường trở về quê ở huyện miền núi Sơn Hà để công tác. Những ngày đầu về làm việc ở Trung tâm Y tế huyện Sơn Hà, mặc dù là người địa phương, nhưng anh vẫn gặp nhiều khó khăn, vì thực tế khác với sách vở đã từng học. Bác sĩ Đinh Cao Cường chia sẻ: “Đến khám tại Trung tâm chủ yếu là người dân tộc Ca Dong, Hrê. Nhận thức chăm sóc sức khỏe của họ không được như người dân ở đồng bằng. Họ vẫn còn nhiều hủ tục trong "trị bệnh", khi bị bệnh thường giết trâu, bò để cúng "trừ tà", chỉ đến khi nặng quá mới chịu đi viện, nên việc khám chữa bệnh rất vất vả”.
Bác sĩ Đinh Cao Cường đang khám cho bệnh nhân. |
Ngoài công tác khám chữa bệnh, bác sĩ Cường hiện còn giữ trọng trách là bí thư Đoàn thanh niên. Anh đã cùng Ban chấp hành chi đoàn cùng nhau tổ chức nhiều buổi đi khám tại cộng đồng. Qua việc khám còn lồng ghép tuyên truyền cho người dân về chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh.
Với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ cùng sự giúp đỡ, chỉ dẫn của các y, bác sĩ đi trước, bác sĩ Cường đã dần vượt qua được những khó khăn và gắn bó hơn với nơi mình công tác. Anh Trần Xuân Trung - Điều dưỡng trưởng Trung tâm Y tế huyện Sơn Hà cho biết: “Chỉ tiêu ở huyện rất ưu ái các bác sĩ mới ra trường và Trung tâm Y tế Sơn Hà năm nào cũng có kế hoạch hết. Tuy nhiên, bác sĩ trẻ ra trường thường ít chọn miền núi để công tác, mà thường tập trung ở thành phố lớn. Nhưng bác sĩ Cường thì ngoại lệ".
Đối với bác sĩ Hồ Chí Lợi, khi về công tác tại Trung tâm Y tế huyện Trà Bồng (năm 2013), mặc dù gặp nhiều khó khăn khi về huyện miền núi công tác, nhưng người bác sĩ trẻ này luôn ấp ủ mong muốn được đóng góp sức mình hơn nữa trong chăm sóc sức khỏe cho người dân tại địa phương. Bác sĩ Lợi chia sẻ: “Sau khi học xong chuyên khoa về, mình mong muốn trung tâm y tế huyện có phòng mổ, để bệnh nhân đỡ lên tuyến trên, đỡ tốn kém cho dân làng. Tuy nhiên, nhân lực vẫn còn thiếu cả về bác sĩ mổ, gây mê và dụng cụ, nên hiện giờ mong ước chưa thực hiện được”.
“Mình được nhiều khi về quê hương công tác”
Không chỉ riêng bác sĩ Cường hay bác sĩ Lợi, không ít bác sĩ trẻ khác cũng đã lựa chọn về quê hương công tác và cống hiến sức trẻ. Đây là tín hiệu vui. Bởi, việc chăm lo sức khỏe cho người dân ở những vùng sâu, vùng xa gặp không ít khó khăn, trong khi chính sách thu hút bác sĩ của các địa phương cũng còn hạn chế.
“Ai cũng muốn nơi làm việc của mình tốt hơn, được làm ở thành phố lớn để thường xuyên được nâng cao trình độ chuyên môn. Thực ra các bạn miền xuôi ít khi chọn về miền núi công tác lắm, vì nhiều khó khăn. Nhưng với mình, khi về quê hương công tác thực ra mình thấy được nhiều thứ. Thứ nhất là mình có thể phục vụ, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào mình, thứ hai được ở gần nhà, được những đồng nghiệp đi trước quan tâm nhiều”, bác sĩ Cường, tâm sự.
Để góp phần nâng cao chất lượng y tế tại các huyện miền núi, việc thu hút các bác sĩ trẻ về công tác tại đây là rất cần thiết. Tuy nhiên, phần lớn là ở sự tự nguyện, thấu hiểu và nhiệt tình ở các bác sĩ trẻ. Với những người con của quê hương thì càng cần được khích lệ và trân trọng hơn nữa.
Bác sĩ Đinh Thị Hợi - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sơn Hà chia sẻ: “Ở những huyện miền núi như Sơn Hà hay các huyện miền núi khác người dân nhận thức còn kém, công tác khám chữa bệnh rất khó khăn. Cho nên cần nhiều bác sĩ trẻ, nhiệt huyết hơn nữa để giúp đỡ người dân, nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe ở vùng sâu, vùng xa. Tại đây, các em cũng sẽ có rất nhiều cơ hội để trải nghiệm những điều khác sách vở, mô hình bệnh tật, bệnh nhân, vừa rèn luyện phong cách, thái độ... Đây sẽ là những trải nghiệm thực tiễn vô cùng phong phú để trưởng thành về mọi mặt”.
Bài, ảnh: Bình Minh