(Báo Quảng Ngãi)- Nhu cầu đi lại bằng xe đạp điện, xe máy điện (XĐĐ, XMĐ) ngày càng tăng. Tuy nhiên, vì tốc độ xe khá cao và phần lớn do các em học sinh điều khiển nên tiềm ẩn tai nạn giao thông (TNGT).
TIN LIÊN QUAN
Tai nạn ngày càng tăng
Tại TP.Quảng Ngãi, học sinh ở bậc THCS và THPT điều khiển XĐĐ, XMĐ đến trường khá phổ biến. Việc các bậc phụ huynh mua dòng xe này cho con em mình đi lại thay vì đi xe đạp để đến trường vì việc di chuyển nhanh chóng, giá cả phải chăng và quan trọng là hạn chế các em sử dụng xe gắn máy.
Tuy nhiên, với các dòng XĐĐ, XMĐ hiện nay tốc độ cho phép chạy tối đa tương đương với xe gắn máy dưới 50cm3 nên việc nhiều phụ huynh nghĩ tốc độ xe đảm bảo an toàn là chưa chính xác.
Học sinh vô tư đi xe đạp điện tốc độ cao, nhưng không đội nón bảo hiểm. |
Hình ảnh những em học sinh điều khiển XĐĐ, XMĐ chạy lạng lách, đánh võng trên đường, không đội mũ bảo hiểm; thậm chí chở hai, chở ba lao vun vút trên các tuyến phố là không hiếm. Nhiều người tham gia giao thông rất bức xúc trước việc đang di chuyển trên đường bỗng loạng choạng tay lái khi bất ngờ bị học sinh điều khiển XĐĐ vượt mặt theo kiểu “tay lái lụa”. Nên một khi không làm chủ tốc độ và gặp những trường hợp bất ngờ, thì tai nạn xảy ra là khó tránh khỏi.
Mới đây, đầu tháng 12.2017, vụ TNGT giữa XĐĐ do một em học sinh Trường THPT Trần Quốc Tuấn với xe máy đang di chuyển trên đường Hùng Vương khiến nhiều người giật mình. Cú tông trực diện khi đang di chuyển tốc độ cao, khiến phần trước chiếc xe gắn máy bị hư hỏng, XĐĐ nằm chỏng chơ. Còn em học sinh và người điều khiển xe gắn máy bị thương nặng phải nhập viện cấp cứu.
Theo thống kê của Ban An toàn giao thông tỉnh, năm 2017 toàn tỉnh xảy ra 591 vụ TNGT đường bộ, riêng số vụ do XĐĐ, XMĐ gây ra chiếm gần 15% và hầu hết đều do học sinh điều khiển.
Làm gì để không là ẩn họa?
Theo quy định, trẻ dưới 16 tuổi, chỉ được sử dụng XĐĐ có tốc độ dưới 25km/giờ, có bàn đạp, có trọng lượng dưới 40kg. Trẻ trên 16 tuổi được sử dụng XMĐ có tốc độ dưới 50km/giờ, có thể có bàn đạp.
Tuy nhiên, một thực tế hiện nay là nhiều phụ huynh vẫn chưa phân biệt được các loại XĐĐ, XMĐ nên cho con sử dụng xe chưa đúng theo lứa tuổi và thường mua theo sở thích của con. Trong khi đó, những loại xe này chạy không có tiếng động nên khi vượt, các xe khác đang lưu thông cùng chiều không phát hiện ra nên dễ xảy ra va chạm.
Trên địa bàn TP.Quảng Ngãi hiện có khoảng 20 đại lý bán XĐĐ, XMĐ. Trong năm 2017, lượng xe này tiêu thụ hơn 1.000 chiếc. Thực tế, XĐĐ khi đưa vào thị trường được các nhà sản xuất khống chế tốc độ ở mức 25 km/giờ, đảm bảo an toàn vận hành cho người điều khiển. Nhưng không hiếm trường hợp “độ xe”, thay đổi kiểu dáng, nâng tốc độ dẫn đến gây nguy hiểm không chỉ cho các em học sinh mà cả những người tham gia giao thông.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Kiên cho rằng, ngành giáo dục đã cụ thể hóa các nhiệm vụ và triển khai đến các trường học, tổ chức tuyên truyền, chỉ đạo các cơ sở giáo dục ký cam kết giữa nhà trường với học sinh về đảm bảo ATGT. Tuy nhiên, trong thực tế các em học sinh đi XĐĐ, XMĐ phụ thuộc trách nhiệm của các bậc phụ huynh. Đồng thời, các em lại gửi xe ngoài trường nên rất khó quản lý.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tăng Bính cho rằng: “Năm ATGT 2017 có chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông trong thanh thiếu niên”. Chủ đề là vậy, nhưng công tác quản lý như hiện nay thì các cấp, ngành địa phương cần xem lại chứ không thể đổ hết lỗi cho Sở GD&ĐT. Phải tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền và tuần tra, kiểm soát cũng như nâng cao nhận thức cho cộng đồng, nhất là các bậc phụ huynh trong giáo dục con em mình”.
Bài, ảnh: LÊ ĐỨC