(Báo Quảng Ngãi)- Công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá là hoạt động mang tính nhân văn sâu sắc. Bởi họ sẽ rất khó khăn để trở về “nẻo thiện”, nếu như không có sự giúp đỡ từ gia đình, xã hội.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Cũng giống như các trường hợp khác, mãn hạn tù trở về địa phương, anh Lê Chí Thanh, ở thôn Phú Thọ, xã Hành Tín Tây (Nghĩa Hành) đã từng đối mặt với bao mặc cảm, tự ti. Ngoài ra, anh còn đối mặt với “ba không”, đó là: Không đất sản xuất, không vốn để kinh doanh và không có việc làm ổn định.
Với hai bàn tay trắng, anh Thanh hụt hẫng vì chưa biết cuộc sống của mình rồi sẽ như thế nào. Nhưng rồi, được sự động viên, giúp đỡ của gia đình, chính quyền địa phương, nhất là tham gia mô hình “Tiếp sức hoàn lương” của Công an huyện Nghĩa Hành đã giúp anh Thanh vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Anh Lê Chí Thanh tích cực trong lao động, sản xuất. |
Đến nay, anh Thanh đã trồng được 3 ha keo, xây dựng 1 xưởng gỗ, thu nhập hằng năm từ 50 - 70 triệu đồng. Không những giải quyết việc làm cho bản thân, mà còn tạo công ăn việc làm cho khoảng 10 lao động ở địa phương. Kinh tế ổn định, hai con của anh được học hành đến nơi đến chốn, một cháu đã có việc làm ổn định, con út của anh đang học năm cuối tại một trường Đại học ở TP.HCM.
“Thời gian tới, Công an huyện sẽ tiếp tục huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội để tiếp sức cho những người hoàn lương, như phối hợp với các đơn vị chức năng tạo điều kiện cho họ vay vốn, tổ chức dạy nghề, tạo việc làm và tư vấn, trợ giúp về tâm lý và hỗ trợ pháp lý để người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng”. Phó trưởng Công an huyện Nghĩa Hành, thượng tá ĐOÀN DƯƠNG |
Hàng năm, gia đình anh luôn được công nhận đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Anh cũng là một trong những thành viên tích cực, tiêu biểu trong mô hình “Tiếp sức hoàn lương” của Công an huyện Nghĩa Hành. Anh Thanh, chia sẻ: “Lúc đầu mình mặc cảm, tự ti lắm, nhưng nhờ các anh công an và chính quyền địa phương thường xuyên thăm hỏi, động viên, giúp đỡ nên tôi dần loại bỏ mặc cảm, phấn đấu trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Tôi rất biết ơn các anh công an”.
Trường hợp của anh Dương Văn Thọ, ở xã Hành Tín Đông cũng vậy. Tháng 4.2014, anh mãn hạn tù trở về địa phương, với bao khó khăn chồng chất khi anh là trụ cột của gia đình với bố mẹ già, ba đứa con nhỏ, trong đó có một bé bị bệnh bẩm sinh...
Chia sẻ với khó khăn của gia đình anh Thọ, lãnh đạo Công an huyện Nghĩa Hành phối hợp với địa phương, quyên góp mua tặng gia đình anh một con bò giống, trị giá 10 triệu đồng. Anh còn tham gia mô hình “Tiếp sức hoàn lương”, là thành viên tích cực trong công tác giữ gìn an ninh, trật tự của địa phương, như tham gia bắt 2 vụ trộm chó và 1 vụ vận chuyển gỗ trái phép trên địa bàn.
Bên cạnh việc tăng cường quản lý, tuyên truyền, giáo dục, lãnh đạo Công an huyện Nghĩa Hành còn huy động sự tham gia đóng góp của các ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm, mạnh thường quân và của cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Công an huyện để mô hình hoạt động hiệu quả. Đã tặng sổ tiết kiệm và tiền mặt trị giá trên 50 triệu đồng cho người hoàn lương. Ngoài ra, còn trao 1 con bò trị giá 10 triệu đồng, 20 xe đạp, vở cho con em và gia đình người chấp hành xong án phạt tù có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Giúp cho nhiều gia đình có người hoàn lương yên tâm làm ăn, sinh sống lương thiện, hạn chế tình trạng tái phạm tội.
Có thể thấy, mô hình “Tiếp sức hoàn lương” là sự quyết tâm cao của Đảng ủy, lãnh đạo và CBCS Công an huyện Nghĩa Hành. Để xây dựng được mô hình này, Công an huyện Nghĩa Hành đã cử cán bộ tăng cường về cơ sở, gặp gỡ, động viên những người hoàn lương gạt bỏ quá khứ để vươn lên trong cuộc sống. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật giúp người hoàn lương nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Đồng thời, huy động sức mạnh tập thể tìm những biện pháp tốt, cách làm hay để giúp đỡ cho những người chấp hành xong án phạt tù nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng.
Người hoàn lương rất cần những bàn tay nhân ái giúp họ đứng dậy từ vũng bùn đen tối. Mô hình “Tiếp sức hoàn lương” của Công an huyện Nghĩa Hành đã làm được điều ấy, giúp đỡ họ vượt qua khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống, hạn chế tình trạng tái phạm tội và tham gia tích cực vào các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bài, ảnh: NGỌC THƯƠNG