Sống thấp thỏm bên mép biển

10:10, 30/10/2017
.

(Baoquangngai.vn) – Gió bấc về thổi phần phật, những cơn sóng biển màu xám hung tợn gầm gào liên hồi đánh vào bờ, nhiều hộ dân sống bên mép biển ở thôn Lệ Thủy, xã Bình Trị, huyện Bình Sơn lại run rẩy. Đã 9 năm qua, mỗi mùa biển động, hàng chục hộ dân lại nơm nớp lo biển “nuốt” nhà.

TIN LIÊN QUAN


Ám ảnh tiếng sóng

Biển ngày trở mình, bãi biển thôn Lệ Thủy gầm thét không dứt, thân cây phi lao oằn mình trong gió, thuyền thúng la liệt nằm bờ. Như bao người dân làng chài này, chị Tiêu Thị Liễu bó gối nhìn ra biển.

“Cả nhà 6 miệng ăn dựa vào cái thúng của ổng. Từ rày miết tới tháng Giêng biển động, ổng không đi biển chẳng biết làm gì kiếm sống? Đói ăn còn chưa thống khổ bằng ám ảnh tiếng sóng. Cứ biển động cấp 8 là sóng đánh, tấp cát, rác, rong rêu vào tận nhà, đang ăn cơm phải khiêng ông già bỏ chạy, vì sợ nhà sập”- chị Liễu than vãn.

Ngôi nhà ba gian bề thế của gia đình chị Liễu bị sóng biển ăn dần giờ chỉ cách mép biển 1 hàng rào vẫn còn hiện hữu vết tích sự tàn phá của sóng biển. Tường nhà nứt toác, vôi vữa bong tróc, mái nhà nhìn thấy trời xanh, ron, mè mục rửa, ngói rơi lởm chởm.

 

Ngôi nhà chị Liễu bị sóng đánh hư hỏng.
Ngôi nhà chị Liễu bị sóng đánh hư hỏng.


Chị Liễu kể: Trước kia, nhà chị cách bờ biển xa tít. Trong cơn bão số 9 năm 2009, khi nghe tin bão về, cả gia đình khiêng người cha già chạy lên núi, đào hố đặt thúng xuống rồi lấy một cái thúng khác úp lên trên để tránh bão.

Khi bão tan, trở về nhà ngôi nhà ngập rác, mọi thứ đã trôi ra biển, biển lấn vào đến tận móng nhà, một nửa ngôi nhà đã bị hư hỏng hoàn toàn. Đã 9 năm qua, gia đình 6 người của chị Liễu ăn, ngủ, sinh hoạt đều ở phòng khách rộng chừng 40m2. Mỗi lần biển động, cả gia đình “ám ảnh” bởi tiếng sóng, lại nưm nớp lo biển nuốt nhà.

Ở đây cơm áo gạo tiền của các gia đình đều nương nhờ vào cánh đàn ông. Không có vốn đóng thuyền lớn đi khơi xa, cả đời bám biển trên thúng chai đủ ăn là may lắm, huống chi là có tiền mua đất, xây nhà.

“Đã nhiều lần kiến nghị với xã, nhưng chẳng thấy gì. Mong nhất là cấp cho tui chút đất, khổ cực mấy cũng vay mượn cất cái nhà có chỗ cho tụi nhỏ và ông già ở cho an tâm” - chị Liễu nghẹn ngào.

Hàng xóm của chị Liễu, góa phụ Nguyễn Thị Trí suốt nhiều năm qua cũng rơi vào tình cảnh có nhà mà không dám ở, phải đi ở nhờ. Ngôi nhà của bà Trí chằng chịt vết nứt, nghiêng hẳn qua một bên, mái hiên nhà đã bay theo gió.

Con đường bên nhà bà Trí giờ cũng trở thành bãi biển và những hàng cây thông, dương liễu, xương rồng được trồng để chắn sóng cũng bị sóng biển đánh gãy đổ, còn trơ trọi lại cát. Mỗi lần sóng lớn là nước biển đánh tới tấp vào nhà.

 

Nhiều người dân phải bỏ làng vì sóng đánh hư hỏng nhà.
Nhiều người dân phải bỏ làng vì sóng đánh hư hỏng nhà.


“Không tiền, thân già cả đau ốm liên miên, tôi như sống mòn bên mép biển. Không có tivi, không theo dõi được thời tiết, lúc nào lòng dạ cũng bất an. Ban đêm tôi đến nhà bạn ngủ nhờ. Cứ nhìn ra biển thấy sóng to là sợ” - bà Trí lo lắng.

Mong được di dời

Ông Nguyễn Văn Búp - Trưởng thôn Lệ Thủy cho biết, thôn Lệ Thủy có 25 hộ với gần 100 nhân khẩu bị ảnh hưởng bởi tình trạng nước biển xâm thực. Trong đó có 5 hộ bị sóng biển trong cơn bão số 9 năm 2009 làm sập nhà, hư hỏng hoàn toàn đã được di dời, tái định cư.

Những hộ dân còn lại mòn mỏi chờ đợi, sống trong sợ hãi từ năm này qua năm khác trong những căn nhà bị sóng biển đe dọa. Nhiều năm nay, người dân địa phương kiến nghị, cầu cứu khắp nơi vẫn không được hỗ trợ di dời đi nơi khác.

 

Nhà bà Trí chỉ cách biển một hàng rào.
Nhà bà Trí chỉ cách biển một hàng rào.


Cũng theo ông Búp, với tình trạng nhiều căn nhà đã hư hỏng quá nặng, một số khác bị nước biển xâm thực đến sát chân tường nên việc sóng, gió gây sập nhà dân nếu có bão lũ xảy ra là khó tránh khỏi.
 
"Khẩn thiết nhất là nhà nước phải hỗ trợ di dời dân vùng sạt lở, nếu không gió bão sẽ gây sập nhà nguy hiểm đến tính mạng. Về lâu dài, người dân mong muốn có kè chắn sóng để giữ đất, giữ làng", ông Búp kiến nghị.
 
Theo Chủ tịch UBND xã Ngô Văn Thính, tình trạng xâm thực gây xói lở bờ biển tại khu vực Lệ Thủy diễn biến quá phức tạp, gây thiệt hại nặng cho người dân. Tình trạng nhà ở bị hư hỏng, bị sóng biển đe dọa cuốn trôi khiến đời sống người dân thôn Lệ Thủy gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên.

Những năm qua, cứ đến mùa mưa bão, cả làng lại lo lánh nạn. Người dân rất mong muốn được hỗ trợ để di dời đến nơi an toàn để an cư lạc nghiệp.



Bài, ảnh: C.P
 


.