(Báo Quảng Ngãi)- Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 27.11.2011 của Thủ tướng Chính phủ là một đề án mang tính nhân văn rất lớn, vì người dân nông thôn vốn chịu nhiều thiệt thòi và nay bị tác động lớn bởi quá trình đô thị hóa. Thế nhưng, trong quá trình triển khai, một số đơn vị liên quan chưa làm hết trách nhiệm, để xảy ra nhiều sai phạm...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Từ năm 2011 - 2015, Sở LĐ-TB&XH, Sở NN&PTNT đã thực hiện ký hợp đồng đào tạo nghề cho lao động nông thôn với 28 cơ sở dạy nghề (1.094 lớp), hoàn thành vượt mức chỉ tiêu tỉnh giao. Tuy nhiên, về chỉ tiêu đào tạo sơ cấp nghề cho lao động nông thôn thì chỉ đạt hơn 84%...
Không được phép vẫn đào tạo
Dù đây là nhiệm vụ quan trọng, được Tỉnh ủy, UBND tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nhưng một số địa phương, đơn vị vẫn chưa chú trọng xây dựng kế hoạch tuyên truyền về Đề án 1956; một số cán bộ cấp xã và người dân chưa hiểu đúng và đầy đủ về nội dung chính sách. Đặc biệt là, người dân ở vùng sâu, vùng xa chưa nhận thức được lợi ích của học nghề, nên ít đăng ký tham gia, dẫn đến một số xã gặp rất nhiều khó khăn trong việc mở lớp. Do đó, lao động qua đào tạo nghề ở nhiều xã còn thấp so với tiêu chí trong Đề án xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Nghề may thu hút được khá đông lao động nông thôn (ảnh minh họa). |
Điều đáng nói ở đây là, cơ quan được giao tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách thực hiện đề án trong giai đoạn 2011 - 2015, còn một số nội dung chưa phù hợp, chưa rõ ràng, nên có sự hiểu nhầm trong thực hiện tại một số cơ sở đào tạo. Từ năm 2012 - 2015, có 21 đơn vị dạy nghề chưa đủ giáo viên cơ hữu của từng nghề, nhưng Sở LĐ-TB&XH vẫn cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đào tạo nghề là không đúng.
Mặt khác, qua tìm hiểu chúng tôi còn được biết, tại 6 đơn vị đào tạo nghề, có một số nghề chưa được Sở LĐ-TB&XH cấp giấy phép dạy nghề, nhưng thực tế Sở này vẫn ký hợp đồng đào tạo nghề là sai quy định. Ngoài ra, trong quá trình kiểm tra công tác tuyển sinh, Sở LĐ-TB&XH và các đơn vị đào tạo nghề vẫn không phát hiện 144 trường hợp đăng ký học nghề không đúng đối tượng; một số cơ sở dạy nghề dạy không đủ số tiết quy định, nhưng vẫn nhận đủ tiền và cấp chứng chỉ...
Đến nay, cơ quan chức năng đã thu hồi số tiền sai phạm được 3,5/hơn 4 tỷ đồng. Ngoài ra, Thanh tra tỉnh đã có văn bản chuyển hồ sơ sang cơ quan CSĐT, Công an tỉnh để làm rõ sai phạm trong việc đào tạo nghề (10 lớp) tại Trung tâm Đào tạo và cung ứng nguồn lao động Dung Quất... |
Sai phạm gần 5,3 tỷ đồng
Theo kết luận thanh tra, công tác quản lý, sử dụng và thanh quyết toán nguồn kinh phí đào tạo, hỗ trợ học nghề cho đối tượng học nghề đã xảy ra nhiều sai phạm. Qua xác minh tại 25 đơn vị đào tạo nghề (1.039 lớp) và thực hiện xác minh 74 lớp trên địa bàn 6 huyện, thành phố (Bình Sơn, Minh Long, Ba Tơ, Mộ Đức, Sơn Tịnh và TP.Quảng Ngãi), Thanh tra tỉnh đã phát hiện nhiều nội dung sai phạm như: Chi vượt định mức, nội dung, nguyên vật liệu thực hành; dạy không đủ số lượng tiết dạy theo quy định; ghép chung lớp cùng ngành nghề, cùng thời gian, cùng địa điểm để đào tạo, nhưng lập hồ sơ thanh toán thành 2 lớp. Tổng số tiền sai phạm gần 5,3 tỷ đồng, trong đó sai phạm phải xử lý thu hồi là trên 4 tỷ đồng.
Công tác mua sắm, quản lý và sử dụng trang thiết bị phục vụ công tác dạy nghề cho lao động nông thôn trong 2 năm 2014 - 2015, cũng có nhiều tồn tại. Sở LĐ-TB&XH đã cấp trang thiết bị dạy nghề không có trong giấy chứng nhận dạy nghề đối với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Sơn Tây, Tây Trà. Năm 2013, Sở LĐ-TB&XH cấp thiết bị cho 3 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên các huyện Mộ Đức, Tư Nghĩa, Lý Sơn, nhưng đến năm 2015, các đơn vị này vẫn chưa ký hợp đồng tổ chức thực hiện giảng dạy nghề theo thiết bị đã cấp, dẫn đến lãng phí thiết bị đã đầu tư mua sắm. Việc này Sở LĐ-TB&XH đã kiểm tra phát hiện nhưng chậm xử lý, điều chuyển để sử dụng có hiệu quả tài sản ngân sách đã đầu tư.
Bài, ảnh: NG.TRIỀU