Dự án khu đô thị Đê bao II: Vì sao chậm trễ?

06:10, 17/10/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dự án Khu đô thị mới phục vụ tái định cư Khu II Đê bao là một trong những dự án quan trọng trong phát triển đô thị của TP.Quảng Ngãi. Tuy nhiên, đến nay công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), thi công diễn ra ì ạch, ảnh hưởng đến tiến độ dự án...

TIN LIÊN QUAN

Ì ạch GPMB, thi công

Dự án Khu đô thị mới phục vụ tái định cư Khu II Đê bao có tổng mức đầu tư hơn 296 tỷ đồng (chi phí bồi thường 217 tỷ đồng), do Ban Quản lý các dự án đầu tư và xây dựng TP.Quảng Ngãi (BQL) làm chủ đầu tư, thời gian hoàn thành giai đoạn 2016-2020.

 Phương tiện máy móc nhà thầu thi công dự án nằm bất động, vì mặt bằng bị vướng nhà dân vẫn chưa thể giải phóng được.
Phương tiện máy móc nhà thầu thi công dự án nằm bất động, vì mặt bằng bị vướng nhà dân vẫn chưa thể giải phóng được.


Tổng diện tích đất thu hồi phục vụ dự án là 15,33ha với 475 hộ gia đình cá nhân, tổ chức và 1.750 ngôi mộ bị ảnh hưởng, trong đó có 346 hộ thuộc diện giải tỏa tái định cư (TĐC). Dự án được chia làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 có diện tích 7,9ha, bao gồm khu đất xây dựng khu đô thị mới 6,37ha, chi phí bồi thường dự kiến 92,5 tỷ đồng, với 309 hộ gia đình cá nhân bị ảnh hưởng. Đến nay, đối với phương án bồi thường đợt I đã phê duyệt được 4 phương án, tổng giá trị bồi thường 42,12 tỷ đồng, chi trả cho 246 hộ gia đình, tổ chức và 1.519 ngôi mộ. Hiện đã chi 12,2 tỷ đồng để bồi thường cho 173 hộ gia đình và 1 tổ chức; di dời được 1.512 ngôi mộ.

Do công tác GPMB dự án quá chậm, nên công tác thi công cũng gặp không ít khó khăn, dẫn đến tiến độ dự án đạt thấp khi chỉ thi công đạt khoảng 4,5/9,6 tỷ đồng. So với kế hoạch vốn giao và vốn chuyển tiếp (khoảng 130 tỷ đồng), đến nay dự án mới chỉ giải ngân được gần 55 tỷ đồng.
 

20 năm sống trong vùng quy hoạch “treo”


Năm 1997, UBND tỉnh quyết định quy hoạch chi tiết Khu dân cư bãi bồi nam sông Trà Khúc. Đến năm 2008, UBND tỉnh điều chỉnh quy hoạch Khu Trung tâm hành chính tỉnh với diện tích khoảng 16,5ha và quy hoạch khu vực này thành Trung tâm hành chính tỉnh. Năm 2012, Dự án này lại được điều chỉnh thành Trung tâm Chính trị - Hành chính tỉnh Quảng Ngãi và đến năm 2015, dự án mới chính thức khởi công. Đến nay, đã 20 năm người dân sống trong vùng dự án thuộc diện bị quy hoạch... “treo”.

Nguyên nhân do đâu?

Giám đốc BQL Đỗ Tâm Hiển cho rằng, do dự án "treo" quá lâu, nên khi triển khai thực hiện người dân chưa có sự đồng thuận cao trong công tác bồi thường, GPMB, dẫn đến một số hộ dân chưa thống nhất ký xác nhận hồ sơ khảo sát, kiểm kê, mặc dù đã vận động giải thích nhiều lần. Một số hộ dân chưa thống nhất về đơn giá bồi thường, hỗ trợ về đất và tài sản có trên đất. Bên cạnh đó, nhiều người dân đã chia đất cho các con làm nhà ở, chuyển nhượng đất cho người khác bằng giấy viết tay từ nhiều năm trước... nhưng ranh giới chưa rõ ràng, khi xác lập lại có sự tranh chấp, dẫn đến công tác xác lập quyền sử dụng đất hết sức khó khăn. Muốn giải quyết chính xác phải sưu tra, xác minh và công khai theo luật, nên mất nhiều thời gian.

Ngoài ra, một số hộ gia đình có đất cho con, cháu, nhưng đi làm ăn xa không có ở địa phương, nên việc khảo sát, kiểm kê và xác lập phương án vô cùng khó khăn. BQL Dự án phối hợp với UBND phường Lê Hồng Phong hướng dẫn làm giấy ủy quyền, nhưng các hộ này không hợp tác... Bên cạnh đó, theo quy hoạch được phê duyệt, dự án sẽ bố trí 346 lô (nhận bàn giao của Sở NN&PTNT 29 lô) để TĐC cho người dân. Nhưng nay Quyết định 48 có hiệu lực tổng số lô của 2 giai đoạn tăng lên 477 lô, như vậy hiện thiếu 131 lô. Theo ông Hiển, ngoài khó khăn trên thì nhiều hộ dân thuộc diện TĐC cho rằng, khi nào nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở nơi TĐC thì mới bàn giao mặt bằng. Trong khi đó, quỹ đất thuộc diện thi công để TĐC lại chưa giải phóng xong, khiến dự án bế tắc.

“Để sớm hoàn thành công tác GPMB cũng như đảm bảo giải ngân nguồn vốn được tỉnh bố trí năm 2017, UBND thành phố cần đối thoại với người dân vùng dự án và chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố tăng cường nhân lực, thực hiện cùng lúc nhiều phương án bồi thường và tập trung giải quyết những công việc còn tồn đọng. Xem xét, giao cho Trung tâm làm đại diện chủ đầu tư thay cho BQL dự án, vì phần việc mà Trung tâm thực hiện chiếm đến 85% khối lượng công việc của dự án”, ông Hiển kiến nghị.         


  Bài, ảnh: LÊ ĐỨC
 


.