(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2017, Trung ương giao cho tỉnh 22 tỷ đồng để cho vay làm nhà ở 167 (giai đoạn 2) theo Quyết định 33 của Chính phủ. Trong đó, có một số huyện miền núi đã xin kinh phí lớn như Tây Trà, Trà Bồng, nhưng đến nay tiến độ giải ngân vẫn rất chậm, trong khi mùa mưa bão đã đến gần.
Tiến độ ì ạch
Tây Trà là huyện khó khăn nhất tỉnh với tỷ lệ hộ nghèo chiếm đa số, nên số hộ được phê duyệt làm nhà theo Quyết định 33, giai đoạn 2016 – 2020 là rất lớn, với 1.337 hộ/tổng đề án. Theo kế hoạch, trong năm 2016, Tây Trà phải giải ngân 10% tổng đề án, tương đương 130 hộ với số tiền trên 3,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến cuối năm 2016, mới chỉ giải ngân được cho 67 nhà, số nhà còn lại được chuyển sang năm 2017 để tiếp tục giải ngân. Năm 2017, Tây Trà được phân bổ trên 5,8 tỷ đồng, nhưng đến nay mới chỉ giải ngân hơn 600 triệu đồng.
Rất nhiều hộ nghèo cần được hỗ trợ xây dựng nhà ở. |
Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tây Trà Huỳnh Huy, cho biết: “Chúng tôi luôn tạo mọi điều kiện để giải ngân kịp thời trong một lần, giúp họ sớm hoàn thành căn nhà. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là chỉ dựa vào số tiền vay 25 triệu đồng/hộ, người dân không đủ để làm nhà”.
Huyện Trà Bồng cũng là địa phương có số hộ làm nhà được phê duyệt theo Quyết định 33 lớn thứ hai sau Tây Trà. Trong năm 2016, địa phương này đã liên tục xin thêm kinh phí để kịp thời xây dựng nhà ở cho người dân thuộc diện di dời về các khu tái định cư (TĐC). Để đẩy nhanh tiến độ, giúp người dân an tâm sinh sống khi về nơi ở mới, ngoài nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH, ngân sách huyện đã hỗ trợ thêm 10 triệu đồng và thông qua Quỹ vì người nghèo, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện hỗ trợ 10 triệu đồng nữa. Có sự hỗ trợ này, phần lớn các hộ dân ở các khu TĐC trên địa bàn huyện đã mạnh dạn xây dựng nhà ở.
Dựa trên nhu cầu thực tế, năm 2017, Trà Bồng được giao 5 tỷ đồng để tiếp tục cho vay. Song đến nay, Ngân hàng CSXH huyện mới chỉ giải ngân được cho 31 căn nhà với số tiền 775 triệu đồng; số tiền còn lại chưa thể giải ngân trên 4,2 tỷ đồng.
Còn nhiều vướng mắc
Theo quy định, nhà ở xây dựng theo Quyết định 33 phải đảm bảo được 3 phần cứng, gồm móng cứng, tường cứng và mái cứng. Bên cạnh đó, điều kiện để Ngân hàng CSXH giải ngân là người dân phải hoàn thành được phần móng hoặc 30% khối lượng công trình. Đòi hỏi thì nhiều, nhưng thực tế, ngoài số tiền 25 triệu đồng tiền vay, người nghèo không được hỗ trợ thêm bất cứ khoản nào khác.
Trong khi đó, muốn hoàn thành một căn nhà theo đúng “chuẩn”, yêu cầu phải trên 50 triệu đồng. Riêng các huyện miền núi, do đường xa nên giá vật liệu xây dựng được vận chuyển đến nơi cũng cao gấp 2 - 3 lần so với đồng bằng, dẫn đến chi phí tăng lên.
Xây dựng được một căn nhà vững chãi là ước mơ của hàng nghìn người nghèo. Và để hiện thực hóa ước mơ này, tiến tới xóa bỏ nhà ở tạm bợ, thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi các chính sách vẫn còn nhiều vướng mắc, khiến người nghèo khó thực hiện được.
Mùa mưa bão đang đến gần, hơn lúc nào hết, người nghèo rất mong sớm có được căn nhà vững chắc để ở. Song với tiến độ ì ạch như hiện nay, thật khó để hoàn thành được kế hoạch theo đúng đề án đã xây dựng. Do vậy, để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở theo Quyết định 33, phải có sự hỗ trợ thêm từ nguồn lực xã hội.
Cụ thể, thông qua tấm lòng vàng của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh có thể trích một phần nguồn Quỹ vì người nghèo để hỗ trợ thêm. Đồng thời, chính quyền địa phương cũng cần linh hoạt kêu gọi đóng góp cũng như giúp đỡ về công, gỗ xây dựng để giảm chi phí xây nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn.
Bài, ảnh: HỒNG HOA