Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên: Không giải ngân được thì cắt chuyển cho địa phương khác

10:06, 21/06/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ tại buổi làm việc với Ban Quản lý dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tỉnh Quảng Ngãi và ba địa phương Sơn Tây, Sơn Hà và Ba Tơ vào chiều 21.6 để đánh giá kết quả thực hiện Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tỉnh Quảng Ngãi từ năm 2015 đến nay và triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2017.

Từ năm 2015 đến nay, Chương trình giảm nghèo Tây Nguyên triển khai thực hiện với tổng kinh phí hơn 300 tỷ đồng, gồm ba hợp phần: Phát triển cơ sở hạ tầng cấp xã và thôn bản; phát triển sinh kế bền vững; phát triển cơ sở hạ tầng kết nối cấp huyện, nâng cao năng lực và truyền thông. Trong đó, hợp phần phát triển cơ sở hạ tầng cấp xã và thôn bản có 69 công trình, gồm đường giao thông, hệ thống nước sinh hoạt tự chảy, nhà văn hóa thôn... Đối với hợp phần phát triển sinh kế, hỗ trợ giống ngô lai, vịt xiêm, bò, gà, dê…

 

Tuy nhiên, công tác giải ngân vốn đạt tỷ lệ rất thấp khi chỉ giải ngân 99/303 tỷ đồng bao (gồm vốn chuyển tiếp các năm tiếp theo) đạt tỷ lệ 32,61%. Cụ thể, năm 2015 kế hoạch vốn giao gần 69 tỷ đồng, đến nay mới giải ngân hơn 19,4 tỷ đồng; năm 2016 kế hoạch vốn hơn 94,6 tỷ đồng, đến nay giải ngân 52,6 tỷ đồng. Đối với năm 2017 kế hoạch vốn là 144,2 tỷ đồng, đến nay giải ngân đạt 28,8%.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ cho rằng, mục tiêu của chương trình là rất tốt, góp phần trong công tác giảm nghèo cho người dân các huyện miền núi hưởng lợi từ chính sách. Chính tầm quan trọng của dự án thì các địa phương phải tập trung thực hiện sao cho hiệu quả nhất. Tuy nhiên, tình trạng nhiều mô hình hỗ trợ phát triển sinh kế không hiệu quả cần phải tập trung khắc phục.

“Năm 2017 nguồn vốn rất nhiều nhưng giải ngân không hết và phải chuyển tiếp sang nhiều năm, do đó phải xem lại nếu không “xài” hết tiền thì phải điều chuyển cho địa phương khác. Nhiệm vụ của năm 2017 là củng cố kiện toàn lại ban quản lý của huyện, xã. Cần xem xét vai trò của cán bộ ban quản lý địa phương, sẵn sàng cho những người không tích cực, thiếu năng lực nghỉ làm và bổ sung người có năng lực để làm hiệu quả. Rà soát lại kế hoạch 2017 và cần thiết thì phải điều chỉnh.

Đối với cấp dê giống thì phải nuôi theo nhóm hộ chứ không cấp riêng lẻ cho từng hộ như trước đây. Đối với những nhà thầu trong thời gian qua chậm tiến độ, chất lượng kém thì phải xử phạt, bồi thường theo hợp đồng ký kết và không cho tham gia đấu thầu, giao thầu",  Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ chỉ đạo.

Tin, ảnh: LÊ ĐỨC


.