Cảm nhận một lần trở lại Lý Sơn

04:08, 22/08/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Lý Sơn đối với tôi có rất nhiều kỷ niệm, bởi Lý Sơn gắn liền với những năm tháng khó khăn của một thời trai trẻ. Dẫu vậy, lâu lắm tôi mới có dịp trở lại. Điều thú vị là đi tàu cao tốc chỉ khoảng một giờ đồng hồ là đến. Ngày xưa, đi từ đất liền ra đảo phải mất hơn 3 giờ đồng hồ.

TIN LIÊN QUAN

Lên bờ vào đảo, gửi hành lý ở khách sạn, chúng tôi theo tour lên xe đi thăm một số danh lam, di tích. Chiếc xe cũ kỹ 12 chỗ ngồi có máy lạnh chạy xè xè nhưng không mát, lại đi xuyên qua các công trình xây dựng nếu mở cửa thì bụi mù mịt, đóng cửa thì nóng như lò than. Sau khi đi thăm một vài di tích, chúng tôi lên ngọn Thới Lới. Chiếc xe gầm rú quanh co, gồng mình vượt qua 2 con dốc mới đến đỉnh núi.

Bình minh trên bến cảng Lý Sơn.
Bình minh trên bến cảng Lý Sơn.


Đứng trên cao nhìn lại con đường vừa đi qua cong, cua như hình con rắn, tuy dốc không cao nhưng rất tức. Khi lên đến đây, đứng bên cột cờ Tổ quốc cao vút trên ngọn Thới Lới nhìn ra biển xa, trong tâm tưởng chúng tôi ai cũng như nhìn thấy Hoàng Sa – nơi đó hàng trăm năm về trước có những đội hùng binh Hoàng Sa gồm những ngư dân trên đảo dũng cảm vượt biển ra đảo cắm mốc chủ quyền. Và từ đó, có biết bao nhiêu người dân, chiến sĩ qua nhiều thế hệ đã anh dũng hy sinh bảo vệ từng tấc đất đảo xa của Tổ quốc.

Đêm về, đi dạo chợ đêm gần bến cảng, không gian tuy còn chật hẹp, nhưng sự nhộn nhịp không khác gì ở Phú Quốc, Đồ Sơn... Điều dễ nhận thấy là các loại hải sản khá phong phú. Thích nhất là hải sản đều tươi (có loại còn sống) và giá rẻ hơn những nơi khác rất nhiều. Ngoài những vật lưu niệm và đặc sản như vỏ ốc biển, hoa san hô, tỏi, hành, du khách chỉ tốn một vài trăm ngàn đồng là có thể thưởng thức được mùi vị của tôm hùm, các loại ốc, nhum, cá, mực... Các loại hải sản nầy đều đánh bắt tại vùng biển của đảo, nên có hương vị thơm ngon đặc biệt. Có điều, quang cảnh môi trường sắp xếp nơi chợ chưa được gọn, sạch, khoa học. Rác thải, nước thải vung vãi khắp nơi, cộng với mùi hôi đặc trưng từ bến cảng xông vào làm cho du khách cảm thấy khó chịu. Nhiều du khách nói, giá như cảng du lịch không “ở chung” với cảng cá thì hay biết chừng nào.

Với đảo Bé, riêng tôi hơn 42 năm mới trở lại. Năm 1975, tôi cùng đồng đội ra bảo vệ nơi này. Thuở đó, chỉ có vài chục nóc nhà và cư dân thưa thớt. Mùa hè thiếu nước, mùa đông sóng gió bão bùng, nước vây tứ phía. Bây giờ trở lại thấy đảo nhỏ thay đổi diệu kỳ. Trên bờ, dưới bến khách du lịch tấp nập, rộn ràng tiếng cười, tiếng nói. Có ai ngờ rằng ngày xưa nơi này đây như bị cô lập, bây giờ lại có xe điện chở khách đi tham quan quanh đảo, ngắm những trầm tích kỳ thú và các bãi biển hoang sơ. Duy có điều làm tôi ngạc nhiên là toàn đảo vẫn còn giữ được màu xanh (có cả một khu rừng nhỏ nguyên sinh) với những loài cây, cỏ, hoa bản địa. Chỉ có cây dừa là thưa thớt, còn lại đều phủ màu xanh làm cho thời tiết như dịu lại dưới nắng hè gay gắt.

Rời khỏi đảo Lý Sơn, trong tôi buồn vui lẫn lộn. Vui là bộ mặt Lý Sơn từng ngày đổi thay, nhân dân được tiếp cận với các phương tiện hiện đại nơi đất liền và đời sống mỗi ngày một khá lên. Buồn vì cuộc sống nóng bức, ồn ào của một đô thị đang phát triển lấn chiếm, làm cho những nét hoang sơ, bình lặng của đảo dần mất đi. Đặc biệt là màu xanh của cây lá. Ngày xưa, vườn nhà ai cũng có một vài cây mận, mãng cầu, khế ngọt... đặc biệt là dừa. Dừa là cây bạt ngàn xanh ngát chạy dài theo hướng đông nam từ xã An Vĩnh đến hòn Mù Cu - An Hải. Từ biển nhìn vào chỉ thấy toàn một dải màu xanh như tấm lụa. Một chiến sĩ hải quân thời đó nói với tôi  rằng, anh ta đã đi khắp các đảo trên đất nước, nhưng Lý Sơn là một trong những hòn đảo đẹp nhất Việt Nam.

Được biết chính quyền và nhân dân trên đảo đang nỗ lực gây lại màu xanh. Tuy rằng rất khó khăn, vất vả, nhưng trong tôi vẫn hy vọng rằng một ngày không xa, đảo Lý Sơn vừa phát triển được du lịch, dịch vụ hiện đại, vừa bảo tồn được những giá trị thiên nhiên vốn có của nó, nhất là môi trường và màu xanh trên đất đảo.                                                                                           

Bài, ảnh:  MINH ĐIỀN


 


.