(Baoquangngai.vn) – Vài tháng nay, thời tiết đan xen mưa nắng tạo điều kiện cho các vi rút gây bệnh trên đàn gia súc, trong đó có bệnh lở mồm long móng (LMLM). Tuy nhiên, một số hộ dân đã dấu bệnh, tự điều trị và bán gia súc bị bệnh ra thị trường cho thương lái xẻ bán thịt.
TIN LIÊN QUAN
Điều trị không khỏi bán "gỡ gạc"
Cuối tháng 7 vừa qua, tại 3 xã Tịnh Hiệp (Sơn Tịnh), Nghĩa Thắng, Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa) xuất hiện bệnh LMLM trên đàn bò. Bệnh đã lây lan cho hơn 100 con bò của 29 hộ dân hộ dân.
Khi trong người dân ở xã Tịnh Hiệp chủ động báo các cơ quan chức năng kịp thời vào cuộc xử lý ổ dịch nên bệnh đã được khống chế, không gây thiệt hại đến tài sản của bà con thì một số hộ dân ở xã Nghĩa Lâm lại giấu bệnh, tự điều trị và lén lút bán bò bị bệnh ra thị trường.
Tại thôn 4, xã Nghĩa Lâm, chúng tôi đã gặp ông Phạm Ngọc Tôi, hộ gia đình đầu tiên xuất hiện bệnh LMLM và được ông cho biết: Gia đình ông có 1 con bò cái đang mang thai và 1 bò con bị nhiễm bệnh.
Ban đầu bò con có biểu hiện biếng ăn, miệng chảy nhiều nước dãi có bọt, trong lợi có mụn nước. Hai ngày sau, bò mẹ cũng có dấu hiệu tương tự. Ông Tôi không báo cho chính quyền địa phương mà gọi thú y tư nhân đến chữa trị.
Thú y tư nhân chẩn đoán 2 con bò bị bệnh tụ huyết trùng. Điều trị cả tuần vẫn không có dấu hiệu khỏi bệnh, bệnh của 2 con bò ngày càng nặng hơn kèm theo táo bón rồi đến tiêu chảy, mất nước dẫn đến bò mẹ bị sẩy thai.
“Mình đã biết là nó bị bệnh LMLM mà ông thú y tư nhân cứ cãi tụ huyết trùng. Ổng bảo bệnh này mùa mưa mới có. Đến ngày thứ 8, thấy 2 con bò lở móng, kiệt quệ, run rẩy, ngã quỵ, giãy dụa sắp chết, tôi gọi “bảy đáp” tới bán bò mẹ được 7 triệu và bò con 1 triệu gỡ chút vốn” - ông Tôi phân trần.
Điều đáng nói là sau khi bán “chạy” bò bệnh, ông Tôi chỉ dùng vôi, mua thuốc trừ sâu về phun xung quanh chuồng bò và tái đàn ngay sau đó mà không báo với chính quyền địa phương để phun hóa chất khử trùng, phòng bệnh lây lan.
Hàng xóm ông Tôi là ông Đ.T.H có 4 con bò bị nhiễm bệnh sau đàn bò của ông Tôi vài ngày cũng lén lút bán tháo 2 con bò được 2,5 triệu đồng khi thú y tư nhân điều trị không khỏi.
Nguy cơ bùng phát
Tính đến thời điểm này, trên địa bàn xã Nghĩa Lâm có 19 con bò của 6 hộ dân bị bệnh LMLM, trong đó có 3 hộ dân lén lút bán 5 con khi bò có dấu hiệu sắp chết sau thời gian dài gọi thú y tư nhân đến chữa trị.
Ông Phùng Thanh Long- nhân viên phụ trách Khuyến nông - thú ý xã Nghĩa Lâm thừa nhận việc người dân phát hiện bệnh LMLM nhưng không báo với chính quyền địa phương để vào cuộc kịp thời khoanh vùng xử lý bệnh mà gọi thú y tư nhân đến chữa, chẩn đoán không đúng bệnh dẫn đến bệnh lây lan ra một số hộ dân xung quanh.
Tiêm phòng là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. |
Cũng theo ông Long thì toàn xã Nghĩa Lâm có khoảng 2.000 con trâu, bò ở 8 thôn. Trong đợt 1, xã chỉ nhận được 575 liều thuốc, đủ tiêm cho đàn gia súc ở 4 thôn. Số bò bị bệnh này đều chưa được tiêm phòng.
“Sau sự việc này, chúng tôi sẽ báo cáo với xã mời số anh em hành nghề thú y tư nhân trên địa bàn lên để quán triệt, tránh trường hợp dấu bệnh điều trị dẫn đến vi rút LMLM lây lan, bùng phát trên địa bàn xã trong thời gian tới”- ông Long nói.
Ông Nguyễn Văn Thuận - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & Thú y Quảng Ngãi cho biết, theo Luật Thú y quy định, người dân phát hiện gia súc, gia cầm bị bệnh phải báo cáo ngay với thôn trưởng hay UBND xã.
Xã báo lên cơ quan chức năng của huyện để giám sát, nếu phát hiện đó là dịch bệnh không nguy hiểm sẽ hướng dẫn cách điều trị, còn dịch bệnh nguy hiểm, huyện báo lên cơ quan chức năng của tỉnh để lấy mẫu xét nghiệm, dùng các biện pháp tổ chức chống dịch.
Luật cũng nêu rõ: Người dân không được mua bán, vứt động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh; động vật, sản phẩm động vật mang mầm bệnh ra môi trường. Hành vi dấu dịch sẽ bị xử phạt hành chính.
LMLM là loại bệnh có nguy cơ lây lan nhanh. Với diễn biến thời tiết mưa nắng đen xen như hiện nay sẽ làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi, tạo điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh phát sinh, lây lan.
Vì thế, người dân cần nâng cao ý thức trong việc phòng, chống dịch bệnh để kịp thời bảo vệ đàn gia súc, hạn chế thấp nhất thiệt hại đến tài sản của mình cũng như của nhân dân.
Tin, ảnh: PV