Tác nghiệp mùa mưa lũ

11:06, 21/06/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Khi những trận gió bão bắt đầu gầm gào, nước lũ dâng cao, hầu hết mọi người đều chủ động tìm nơi trú ngụ. Đó cũng là lúc những người làm báo phải đương đầu với hiểm nguy để kịp thời phản ánh những thông tin nóng hổi đến bạn đọc.
Dải đất miền Trung thường xuyên phải hứng chịu trạng thái thời tiết khắc nghiệt. Lúc thì nắng rát đầu, khi lại mưa đến mức “úng đất”. Gắn bó với nghề báo, chúng tôi có nhiệm vụ phản ánh tất cả các mặt trong đời sống xã hội. Trong đó, có những khó khăn của người dân khi đối mặt với thời tiết.
 
Còn nhớ trận mưa lũ năm 2016, hầu hết các huyện ven sông trên địa bàn tỉnh đều hứng chịu “cơn thịnh nộ” của thiên nhiên. Nước lũ đục ngầu liên tiếp đổ về tấn công các khu dân cư ở khu vực hạ lưu trong 2 tuần liền. Ngay khi bản tin đầu tiên được phát ra từ Trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh, phóng viên đã có mặt ở tất cả các nơi bị nước lũ tấn công để kịp thời đưa tin về tòa soạn.
 
Là một trong những phóng viên được phân công nhiệm vụ theo dõi diễn biến mưa lũ, suốt hai tuần liền tôi phải di chuyển liên tục từ TP.Quảng Ngãi đến các huyện Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Mộ Đức và Đức Phổ. Có ngày cao điểm, chỉ trong vài tiếng đồng hồ, tôi buộc mình phải di chuyển từng ấy địa phương để tiếp cận với những khó khăn của người dân khi nước lũ gây ngập nhà và cô lập.

 

Các phóng viên trên chiếc ghe về thôn An Trường, xã Phổ Ninh mùa mưa lũ năm 2016
Các phóng viên trên chiếc ghe về thôn An Trường, xã Phổ Ninh mùa mưa lũ năm 2016
Tôi vẫn nhớ như in chuyến ghe đưa tôi và một số anh em phóng viên khác đến thôn An Trường, xã Phổ Ninh- nơi ngập sâu nhất huyện Đức Phổ trong đợt mưa lũ kéo dài năm 2016.  Tại đây, hơn 40 hộ dân đã bị nước lũ từ sông Trà Câu chia cắt nhiều ngày liền trong mực nước hơn 3m.
 
Chiếc ghe mỏng manh nhưng lại chất đến 6 người, từ từ hướng về thôn An Trường. Anh dân quân địa phương vừa khéo léo chèo tránh những chướng ngại vật ẩn dưới dòng nước đục, vừa không quên nhắc nhở các phóng viên: “Ngồi cho chắc chứ không là rớt hết xuống nước. Nguy hiểm lắm!”.
 
Với nghiệp làm báo, khi tác nghiệp mùa mưa lũ, chúng tôi luôn lo lắng cho “tính mạng” của… những chiếc máy ảnh, máy quay. Bởi những thiết bị ấy được ví von như chiếc cần câu cơm của cánh phóng viên, nhà báo. Đi làm vào mùa mưa, phóng viên nào cũng chuẩn bị sẵn bao ni lông hay áo mưa chống thấm để ưu tiên bao bọc máy móc.
 
Vậy nên những khi phải ngồi trên những chiếc ghe chông chênh như ở Phổ Ninh, điều chúng tôi lo sợ không phải bản thân bị ngã ướt mà là sự an nguy của các thiết bị, dù đã bọc chèn chịt những bao ni lông to nhỏ.

Nhiều lúc đang tác nghiệp giữa dòng lũ, trời đổ mưa bất chợt thì bất chấp bản thân có phải dầm mưa đến thế nào, những “chiếc cần câu cơm” phải luôn khô ráo và an toàn. Nhờ thế, những hình ảnh, tin bài từ vùng rốn lũ mới được đều đặn chuyển đến bạn đọc.

 
Tác nghiệp mùa mưa, không thể tránh khỏi những hoàn cảnh nguy hiểm xảy đến với người làm báo. Cũng trong mùa mưa 2016, tôi cùng với một chị đồng nghiệp bị một phen hú hồn giữa dòng nước lũ ở huyện Mộ Đức. Theo ca nô tiếp tế lương thực cho người dân bị cô lập ở xã Đức Thắng, chúng tôi hoàn toàn yên tâm về độ an toàn. Nhưng sự cố bất ngờ xảy ra khi ca nô mất lái, chân vịt bị dây thép kẽm gai quấn vào không thể tự chủ di chuyển.
 
Dòng nước đang chảy xiết. Ai nấy trên ca nô đều tái mét mặt mày. Một anh cán bộ thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh nhanh trí nhảy xuống gỡ, cứu nguy cho ca nô. Mãi đến khi di chuyển vào bờ an toàn, hai chị em chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm mà tin rằng mình vẫn còn sống.
 
Tác nghiệp trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nguy hiểm luôn rình rập. Thế nhưng, điều chúng tôi nhận được lại rất nhiều. Đó là thông tin mưa lũ với những khó khăn của người dân vùng lũ được cập nhật liên tục trên mặt báo.
 
Sau những chuỗi ngày vất vả với mưa lũ, khi nhận được sự phản hồi tích cực từ bạn đọc, người làm báo chúng tôi như quên đi những giây phút bản thân rơi vào nguy hiểm, mà được tiếp sức và sẵn sàng tiếp tục dấn thân vào những mùa mưa lũ khác để tác nghiệp.
 
Bài, ảnh: Thanh Phương
 
 

 


.