(Baoquangngai.vn)-
Chuyển về nơi ở mới với cuộc sống đầy đủ, ổn định hơn là mong muốn của các hộ dân khi di dời theo chủ trương của Nhà nước. Thế nhưng, hơn 25 hộ dân ở khu tái định cư Nước Giáp, xã Ba Khâm (Ba Tơ) lại rơi vào cảnh “dở khóc dở cười” khi về nơi ở mới.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Được hoàn thành từ năm 2014, khu tái định cư Nước Giáp là điểm tập trung dân cư ở các vùng sâu, vùng xa thuộc thôn Nước Giáp, xã Ba Khâm. Sau hơn 2 năm sinh sống tại đây, các hộ dân vẫn đang đối mặt với cảnh không điện lưới quốc gia, đường đi xuống cấp trầm trọng và nỗi lo thiếu nước từ tháng này qua năm nọ.
Quanh năm mua điện giá cao
Dù chỉ cách trung tâm xã 3km, nhưng khu tái định cư Nước Giáp chẳng khác gì ở nơi rừng thiêng, nước độc. Bởi, cuộc sống của người dân nơi đây còn quá khó khăn khi nỗi mong mỏi có điện lưới luôn thường trực.
Chị Phạm Thị Nương đã gắn bó với khu tái định cư Nước Giáp từ những ngày đầu. Chị Nương nói, ở Nước Giáp này, thứ quý nhất chính là điện. Đến mùa gặt, muốn có gạo ăn, bà con phải lặn lội chở từng bao lúa vượt hơn 8km đường rừng về xuôi để xay xát. Mùa thu hoạch keo, có gia đình muốn mua tivi mới để giải trí cũng đành chịu. Tất cả chỉ vì không có điện sinh hoạt.
Để có điện chiếu sáng, các hộ dân ở khu tái định cư Nước Giáp phải mua bình ắc quy với giá 700 nghìn đồng/bình để sử dụng |
Sống trong cảnh tối tăm, không tivi, không điện chiếu sáng, người dân thôn Nước Giáp chỉ còn biết dựa vào các bình ắc quy với giá 700 nghìn đồng/bình. Đó là số tiền không hề nhỏ với các hộ dân ở vùng cao Ba Khâm này. Thế nhưng, nhà nào cũng phải dành dụm để mua ít nhất một bình.
“Một nhà dùng tiết kiệm lắm, chỉ dám thắp một bóng điện vào buổi tối thì một tuần đã mất 15 nghìn đồng tiền mang bình ắc quy đi sạc rồi. Nhưng có phải bình ắc quy mình xài miết được đâu. Nó hư hoài thôi!”- chị Nương than thở.
Do đó, dù nhiều gia đình thuộc diện hộ nghèo của xã, cũng phải “bấm bụng” bỏ tiền triệu ra để mua bình ắc quy hết lần này đến lần khác. Tận dụng sức nước ở dòng suối, người dân ở khu tái định cư thôn Nước Giáp tự làm thủy điện theo kiểu thủ công. Trong cái khó ló cái khôn, nhiều gia đình có điện sử dụng nhờ vào những máy sản xuất điện tự chế đặt ngay ở bờ suối.
Thế nhưng, ở nơi nước sinh hoạt còn khan hiếm như khu tái định cư Nước Giáp này, thì điện do người dân tự sản xuất chỉ có trong khoảng hai tháng/năm, từ tháng 8-10 mỗi năm. Đó là lúc dòng nước chảy đủ mạnh để tạo nên dòng điện sinh hoạt ổn định cho hơn 25 hộ dân trong khu tái định cư. Phần lớn thời gian còn lại trong năm, các gia đình phải dùng điện giá cao từ các bình ắc quy.
Mùa khô thiếu nước, mùa mưa bị cô lập
Ngoài cái khó vì không có điện lưới quốc gia, từ ngày hình thành, khu tái định cư Nước Giáp còn bị bủa vây bởi nỗi ám ảnh mang tên “thiếu nước”. Trừ những tháng mùa mưa, hai bể nước sạch trong thôn Nước Giáp lúc nào cũng trơ đáy.
Hằng ngày, người dân trong thôn đi làm rẫy thường phải mang theo 1-2 can chứa nước để vào rừng sâu lấy nước cách xa hơn 5km. “Từ ngày về chỗ ở mới, bà con mừng lắm vì thoát khỏi cảnh ở cô lập trong rừng sâu. Nhưng chúng tôi lại phải chịu đến cảnh thiếu nước, thiếu điện. Công trình nước sạch của khu tái định cư từ lâu đã chẳng còn tác dụng”- Già làng Phạm Văn Tập bức xúc nói.
Đường về khu tái định cư Nước Giáp thuộc diện đặc biệt khó khăn, cần được nâng cấp, tu sửa |
Nỗi khổ mùa khô là vậy. Nhưng người dân lại càng sợ vào mùa mưa hơn. Bởi, thời điểm những cơn mưa rừng như trút nước bắt đầu đổ xuống cũng là lúc hơn 25 nóc nhà ở khu tái định cư Nước Giáp bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài.
Ba cây số đường từ trung tâm xã về làng vào mùa khô, chúng tôi luôn phải đối mặt với cung đường trải đầy đá tảng với một bên là vách núi, bên kia là vực sâu. Khó khăn lắm thì những người lạ như chúng tôi mới có thể vượt qua được đoạn đường rừng khủng khiếp như vậy. Ấy thế mà, gần 200 người dân ở khu tái định cư Nước Giáp mỗi ngày đều phải đối mặt.
“Không đi đường này thì chẳng còn đường nào khác, người dân đi xuống trung tâm xã để làm giấy tờ hay trẻ con đi học đều đi như vậy. Nhưng có đường để đi là may lắm rồi, vì mùa mưa thì chẳng còn đường vào Nước Giáp nữa”- Anh Phạm Văn Beo ngụ thôn Nước Giáp chia sẻ.
Được biết, khu tái định cư Nước Giáp được xây dựng với kinh phí 3,65 tỷ đồng do Ban quản lý các dự án huyện Ba Tơ làm chủ đầu tư. Nhưng vì thiếu kinh phí nên khi người dân vào ở thì khu tái định cư này đã rơi vào cảnh “3 không”.
Ông Nguyễn Tấn Hưng - Phó Chủ tịch UBND xã Ba Khâm cho biết: Với khó khăn của người dân ở khu tái định cư Nước Giáp, xã đã nhiều lần kiến nghị lên huyện, tỉnh về việc nhanh chóng cấp điện lưới quốc gia và nâng cấp đường để người dân thuận tiện hơn trong sinh hoạt, sản xuất. Thế nhưng, đến nay, người dân thôn Nước Giáp vẫn đang chờ đợi.
Về nơi ở mới với nhiều khó khăn, người dân khu tái định cư Nước Giáp vẫn chưa thể an cư, lạc nghiệp. Họ luôn mong mỏi nhà nước có thể đồng cảm cùng những khó khăn mà họ đang đối mặt để có thể hỗ trợ phần nào, giúp cuộc sống nơi đây khấm khá hơn.
Bài, ảnh: Thanh Phương