Trung tâm Phát triển Quỹ đất tỉnh: Nhiều bất cập phát sinh từ thực tế hoạt động

01:03, 13/03/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trước khi tỉnh quyết định thành lập Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh trực thuộc Sở TN&MT tỉnh và đưa Trung tâm Phát triển quỹ đất các huyện, thành phố về trực thuộc trung tâm tỉnh đã được các ngành chức năng thảo luận, tham mưu. Tuy nhiên, sau hơn một năm hoạt động đã phát sinh nhiều bất cập.

TIN LIÊN QUAN

Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở TN&MT nghiên cứu Quyết định số 298/QĐ- UBND ngày 14.9.2015 của UBND tỉnh về việc thành lập Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu công việc thực tế; tăng sự chủ động, phân cấp mạnh mẽ cho các chi nhánh để tiến tới tự chủ về tài chính và hạch toán độc lập. Những nơi có ít công việc như ở các huyện miền núi, hải đảo thì thành lập bộ máy tổ chức cần tinh gọn, phù hợp. Theo đó, ban hành Quyết định điều chỉnh hoặc thay thế Quyết định 298/QĐ-UBND ngày 14.9.2015 của UBND tỉnh. Việc này phải hoàn thành trước ngày 10.3.2017.
Chủ tịch UBND tỉnh
TRẦN NGỌC CĂNG chỉ đạo

Đúng theo Luật Đất đai

Trên cơ sở Nghị định 43/2014/NĐ-CP và ý kiến thảo luận, tham mưu của các ngành chức năng liên quan, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 289/QĐ-UBND ngày 14.9.2015 về việc thành lập Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh trực thuộc Sở TN&MT và Trung tâm Phát triển quỹ đất các huyện, thành phố về trực thuộc trung tâm tỉnh.

Mục đích của việc thành lập mới và sáp nhập trung tâm các huyện, thành phố về một đầu mối là nhằm tạo sự chuyên nghiệp hóa trong việc giúp tỉnh, các địa phương thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phục vụ các công trình, dự án đầu tư; đồng thời tham mưu tạo quỹ đất sạch để kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp, phát triển các khu đô thị, khu dân cư...

Thực tế, kể từ khi được thành lập đến nay, tổ chức bộ máy Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh đã được kiện toàn, đi vào hoạt động ổn định. Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Nguyễn Đức Trung, cho biết: Với chức năng nhiệm vụ được giao, Trung tâm Phát triển Quỹ đất tỉnh và các chi nhánh đã góp phần giải quyết nhiều tồn tại trong công tác lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng; khai thác, quản lý quỹ đất... Kết quả mà các đơn vị trực thuộc trung tâm thực hiện đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đáp ứng các yêu cầu công tác  của tỉnh và các huyện, thành phố.

Theo ông Trung, kể từ khi Trung tâm Phát triển quỹ đất không còn trực thuộc UBND các huyện, thành phố vẫn thực hiện tốt các phần việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Mối quan hệ giữa các chi nhánh với các huyện, thành phố là mối quan hệ phối hợp, bình đẳng. Mặt khác, các chi nhánh cũng đã chủ động trong việc tìm kiếm việc làm, nhằm tạo việc làm cho viên chức và tăng nguồn thu cho đơn vị.

Điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn

Theo phản ánh của các cơ quan, đơn vị, địa phương thì mô hình tổ chức của Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh  hiện nay vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập, chưa tạo được sự đồng thuận, thống nhất trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, trong công tác đầu tư phát triển quỹ đất. Một số địa phương đề nghị chuyển các Chi nhánh trực thuộc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh cho UBND các huyện, thành phố quản lý.

Nhờ tạo điều kiện của các ngành chức năng nên Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh được tham gia bồi thường, giải phóng mặt bằng QL 1, đoạn qua huyện Đức Phổ.                             ảnh: BS
Nhờ tạo điều kiện của các ngành chức năng nên Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh được tham gia bồi thường, giải phóng mặt bằng QL 1, đoạn qua huyện Đức Phổ. ảnh: BS


Mặt khác, theo Luật Đất đai thì Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh trực thuộc Sở TN&MT tỉnh là đúng, nhưng thực tiễn cũng phát sinh nhiều vấn đề bất cập. Sự bất cập đó thể hiện ở chỗ Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14.2.2015 của Chính phủ quy định về cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập; các nghị định của Chính phủ và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về CCTTHC. Đó là yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho các đơn vị thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao để đảm bảo tự chủ về tài chính.

Qua làm việc với các đơn vị,  chúng tôi được biết, trước kia các chi nhánh trực thuộc UBND các huyện, thành phố thì việc làm bồi thường, xác minh nguồn gốc đất thuận lợi hơn. Nhưng kể từ ngày sáp nhập về Trung tâm Phát triển quỹ đất trực thuộc Sở TN&MT thì có một số việc thực hiện gặp khó. Cụ thể là, trước kia thuộc huyện, thành phố thì yêu cầu đặt ra là phục vụ là chính, nhưng nay hoạt động theo cơ chế mới của tỉnh thì yêu cầu phục vụ phải đi đôi với việc phải có lợi nhuận. "Khi chúng tôi đặt vấn đề lợi nhuận, lãnh đạo địa phương cho rằng chúng tôi làm khó, nên lãnh đạo địa phương làm việc với các đơn vị ngoài ngành nhưng có chức năng để thực hiện nhiệm vụ, dẫn đến chúng tôi mất việc làm, ảnh hưởng đến thu nhập và tâm lý làm việc của cán bộ, viên chức", lãnh đạo một Chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất chia sẻ.

Cũng theo một số cán bộ, viên chức trực thuộc Chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh, trước đây các chi nhánh trực thuộc UBND các huyện, thành phố thì quan hệ phối hợp là phục tùng; mọi vướng mắc, tồn tại trong quá trình thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng đều được phối hợp giải quyết kịp thời. Còn nay khi các chi nhánh trực thuộc tỉnh thì đó là quan hệ hợp tác, nên cũng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện nhiệm vụ chung. Mặt khác, khi sáp nhập, trung tâm các huyện, thành phố mất đi tính tự chủ. Trước đây,  họ được quyền ký hợp đồng, tự chủ tài chính, nhưng nay về Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh thì ít nhiều cũng ảnh hưởng đến sự năng động của các chi nhánh...

Bên cạnh đó, công tác tài chính ở Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh và các chi nhánh cũng gặp nhiều khó khăn, vì nguồn thu  chủ yếu từ hoạt động dịch vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng và nguồn thu từ chi phí quản lý dự án thì ngày càng ít. Hiện chỉ có Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh thực hiện các dự án được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư, còn đối với các chi nhánh, các huyện, thành phố không giao thực hiện chức năng này, mà giao các dự án đầu tư phát triển quỹ đất cho các phòng, ban trực thuộc huyện thực hiện.

Việc thực hiện công tác đấu giá quyền sử dụng đất cũng chỉ còn Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh, chi nhánh Bình Sơn, Minh Long và Nghĩa Hành thực hiện. Vì vậy, nguồn thu của Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh và 14 chi nhánh từ dịch vụ bồi thường quá thấp, không đủ chi cho hoạt động. Cụ thể là,  năm 2016 thu từ các dịch vụ chỉ đạt 20% so với kế hoạch...

* Phó Chủ tịch UBND TP.Quảng Ngãi Võ Quang:

Trước đây, Trung tâm thuộc thành phố thì giải quyết công việc nhanh hơn, giao việc nhiều hơn, chỉ đạo giải quyết công việc cũng thuận lợi hơn. Nhưng nay trực thuộc Sở TN&MT, nên việc chỉ đạo có nhiều bất tiện. Tuy nhiên, sự phối hợp giữa trung tâm với UBND thành phố vẫn nhịp nhàng. Thành phố tạo mọi điều kiện cho trung tâm hoạt động. Song, việc phối hợp giải quyết công việc chậm hơn trước nhiều. Nhiều lần thành phố kiến nghị với Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh để đôn đốc Chi nhánh thành phố thực hiện các công việc đã ký kết, nhằm phục vụ sự phát triển và đầu tư xây dựng trên địa bàn thành phố...

* Ông Trần Ngọc Phương - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất, Chi nhánh huyện Bình Sơn:

Mặc dù sáp nhập về tỉnh, nhưng mối quan hệ giữa trung tâm với địa phương vẫn bình thường. Tuy nhiên, do trung tâm chuyển về tỉnh, nên huyện ít quan tâm hỗ trợ như trước là có. Trước đây, huyện tạo điều kiện thực hiện các dự án, còn nay huyện nghĩ dự án đó ai làm cũng được, nên ít giao việc hơn. Mặt khác, hiện trên địa bàn huyện có 5 tổ chức thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Trong đó, một số dự án do Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh thực hiện, một số dự án thì do Trung tâm Phát triển quỹ đất Dung Quất thực hiện. Hay như dự án mở rộng Quốc lộ 1 thì do Sở GTVT thực hiện; UBND huyện Bình Sơn thì cũng thành lập Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng... Nghĩa là, việc thì ngày càng ít đi, nhưng đơn vị có chức năng, nhiệm vụ thực hiện thì ngày càng nhiều.

*Ông Trương Viết Vũ - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất, Chi nhánh huyện Sơn Tây:
Trung tâm có 9 cán bộ, nhân viên; nhiệm vụ của trung tâm chủ yếu là bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện, không làm các dự án khu dân cư để đấu giá quyền sử dụng đất. Do đó, nếu thực hiện việc tự chủ tài chính, chi nhánh sẽ gặp nhiều khó khăn nếu như huyện không tạo điều kiện về việc làm.
 

 

P.Đức- B.Sơn

 


.