Khai thác quỹ đất: Cần giải pháp bền vững

04:12, 27/12/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tăng thu tiền sử dụng đất (SDĐ) sẽ giúp gia tăng ngân sách cho địa phương. Tuy nhiên, đây là nguồn thu không ổn định nên việc giao chỉ tiêu quá cao trong thu tiền SDĐ ở các huyện là không khả thi, thiếu tính bền vững và ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản của địa phương.

TIN LIÊN QUAN

Vượt nhưng vẫn lo

Năm 2015, ngành thuế được tỉnh giao dự toán thu tiền SDĐ 339 tỷ đồng và ước thực hiện 422 tỷ đồng, vượt 24,5% so dự toán (nhưng chỉ đạt khoảng 85% với cùng kỳ). Theo báo cáo của ngành thuế thì năm nay có nhiều địa phương vượt thu tiền SDĐ; thậm chí có một số huyện vượt cao. Tuy nhiên, nếu đi sâu vào phân tích thì mặc dù vượt dự toán tỉnh giao gấp nhiều lần nhưng lại không đạt dự toán huyện giao. Đơn cử như Chi cục thuế Tư Nghĩa. Năm 2015, Chi cục được HĐND tỉnh giao thu 10 tỷ đồng tiền SDĐ. Trong khi đó, HĐND huyện lại giao tới 40 tỷ đồng. Mặc dù đã thực hiện nhiều biện pháp, song ước đến cuối năm 2015, Chi cục thuế Tư Nghĩa cũng chỉ thu được trên 20 tỷ đồng (trên 50% dự toán). Còn tại huyện Sơn Hà, chỉ tiêu tỉnh giao về thu tiền SDĐ đạt, nhưng chỉ tiêu huyện giao cũng còn... hụt khá xa.

Mặc dù được nằm trong dự toán đấu giá, thu tiền SDĐ trong năm 2015 nhưng đến nay nhiều dự án khu dân cư ở huyệnTư Nghĩa vẫn chưa đạt.
Mặc dù được nằm trong dự toán đấu giá, thu tiền SDĐ trong năm 2015 nhưng đến nay nhiều dự án khu dân cư ở huyệnTư Nghĩa vẫn chưa đạt.

 

Các địa phương "thích" giao chỉ tiêu cao

Có một thực tế là, các huyện, thành phố hiện tư duy theo kiểu “nguồn thu từ khai thác quỹ đất được để lại cho ngân sách địa phương hưởng 100%” nên việc xây dựng dự toán cao, nếu thực hiện đạt, địa phương được hưởng phần chênh lệch càng nhiều và có kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở trên địa bàn.

Năm 2016, ngành thuế được tỉnh giao dự toán thu 400 tỷ đồng tiền SDĐ, cao hơn 60 tỷ đồng so với dự toán năm 2015. Dự toán tỉnh là thế nhưng khi về các huyện thì chỉ tiêu này được đẩy lên khá cao. Thậm chí, có huyện giao chỉ tiêu cao gấp 4 lần so với dự toán tỉnh giao.

Ông Võ Văn Trương - Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Tư Nghĩa cho biết, thu tiền SDĐ trên địa bàn huyện năm 2015 chủ yếu tập trung vào các dự án: Chỉnh trang đô thị thị trấn La Hà, các khu dân cư (KDC) phía nam thị trấn La Hà, KDC thị trấn Sông Vệ, Nghĩa Phương, Nghĩa Thương; dự án tái định cư của Trường ĐH Tài chính -Kế toán. Thế nhưng, trên thực tế mới thu chủ yếu ở các dự án như KDC Nghĩa Phương, thị trấn La Hà và Sông Vệ.

Nguyên nhân thu tiền SDĐ không đạt dự toán huyện giao là do các dự án trên địa bàn triển khai chậm, không bán đấu giá được nên không có nguồn thu. Bên cạnh đó, có những KDC bán với giá quá cao nên quá "tầm với" của nhiều người. Điển hình như KDC Nghĩa Phương còn 15/33 lô chưa có ai mua.

Còn KDC mới của đô thị Di Lăng (Sơn Hà) dù tổ chức bán đấu giá nhiều đợt khá rầm rộ, song số lô nền còn “tồn” vẫn chiếm số lượng lớn. Bà Đinh Thị Trà - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Tình hình thị trường bất động sản khá trầm lắng, người dân dè dặt đầu tư. Còn người thực tế có nhu cầu đấu giá đất để xây dựng nhà ở thì không đủ khả năng về tài chính để mua những lô nền trong KDC này.

Cần giải pháp bền vững

Chỉnh trang đô thị là một trong những hướng đi hợp lý, nhằm hoàn thành các tiêu chí về đô thị. Tuy nhiên, việc đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa đã khiến cho việc chi xây dựng cơ bản tăng cao. Giải quyết vấn đề này, các địa phương dường như chỉ còn cách tập trung khai thác quỹ đất trên địa bàn. Huyện Tư Nghĩa, mặc dù năm 2015 ngành thuế chỉ thu được khoảng 20 tỷ/40 tỷ đồng chỉ tiêu HĐND huyện giao, nhưng năm 2016, HĐND huyện tiếp tục tăng chỉ tiêu thu lên 80 tỷ đồng tiền SDĐ (gấp đôi chỉ tiêu năm 2015).

Cán bộ Chi cục thuế Sơn Hà hướng dẫn các thủ tục cho người nộp thuế.
Cán bộ Chi cục thuế Sơn Hà hướng dẫn các thủ tục cho người nộp thuế.


Với các địa phương, khai thác quỹ đất để tạo nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng là nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng nguồn thu ngân sách, đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc chú trọng phát triển quỹ đất phải gắn với những vùng có tiềm năng, lợi thế; nguồn vốn khai thác từ quỹ đất phải được bố trí, sử dụng đầu tư một cách hợp lý, hiệu quả... Khi “dựa vào” việc xây dựng KDC, bán đấu giá lô nền thì các địa phương phải nghiên cứu kỹ thị trường bất động sản.

Để việc quản lý đất có hiệu quả, góp phần tăng thu tiền SDĐ bền vững thì các huyện phải tính toán sao cho phù hợp và nên quy hoạch dần. Quy hoạch phải chọn những khu nào phù hợp về giá cả để khi đưa ra thị trường có thể chấp nhận được. Đồng thời, các địa phương cần triển khai ngay từ đầu năm để sớm đấu giá, tránh tình trạng kéo dài sang quý IV hoặc tháng 12 mới đưa ra đấu giá, làm ảnh hưởng đến nguồn thu tiền SDĐ. Mặt khác, ngành tài nguyên môi trường cũng cần rà soát lại tất cả các trường hợp đất trong dân. Bởi hiện nay, có nhiều hộ dân đã được giao đất, chuyển mục đích sử dụng nhưng vẫn chưa đến cơ quan nhà nước làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên chưa thu tiền SDĐ được.

*Ông Lê Văn Tùng – Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây: Cần tính toán “đầu ra” cho việc đầu tư dự án KDC
Sơn Tây hiện đang đầu tư 2 KDC ở trung tâm huyện lỵ. Mục tiêu là để có quỹ đất bố trí tái định cư cho người dân có đất bị thu hồi để xây dựng trung tâm hành chính huyện; bố trí đất cho cán bộ, công chức huyện đủ điều kiện được giao đất có thu tiền SDĐ làm nhà ở. Số lô nền còn lại sau khi thực hiện 2 nội dung nói trên sẽ đưa ra đấu giá thu tiền SDĐ để có nguồn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trên địa bàn. Để thực hiện các dự án KDC này, huyện đã cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng, nhất là tìm “đầu ra” cho việc đầu tư dự án.

*Ông Lê Trung Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa: Huyện sẽ rà soát lại việc đầu tư KDC để khai thác quỹ đất
Thực tế chỉ tiêu giao thu tiền SDĐ của huyện đang trong tình trạng là “con số ảo”. Với bao khó khăn hiện tại, thì chỉ tiêu này là khá cao. Thời gian tới, huyện sẽ tập trung rà soát lại việc đầu tư KDC để khai thác quỹ đất, để triển khai có lộ trình theo hướng ưu tiên những dự án có tính khả thi cao. Huyện Tư Nghĩa hiện tại đang rất cần nguồn thu từ khai thác quỹ đất để đầu tư cơ sở hạ tầng, trả nợ xây dựng cơ bản. Tuy nhiên, nếu bỏ tiền đầu tư dàn trải, dẫn đến không đấu giá bán được lô nền vô tình lại gây thêm khó khăn về tài chính.

*Ông Nguyễn Văn Luyện – Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh: Giao dự toán phải sát với thực tế
Khai thác quỹ đất, phát triển nguồn thu, đóng góp vào đầu tư xây dựng cơ bản, chỉnh trang đô thị là hướng đi tất yếu. Tuy nhiên, việc đưa ra chỉ tiêu quá cao sẽ  khiến các đơn vị nỗ lực chạy theo, từ đó thiếu đi sự lựa chọn những khu đất phù hợp. Trong khi đó, tài nguyên có hạn, khai thác mãi cũng đến lúc cạn kiệt. Hơn nữa, nếu làm quá ồ ạt sẽ kéo theo “trào lưu” chuyển mục đích sử dụng đất. Thậm chí, có nhiều vùng đất nông nghiệp màu mỡ cũng biến thành những dự án khu dân cư nhưng không đem lại hiệu quả, không thu được tiền SDĐ và gây lãng phí nguồn tài nguyên đất. Do đó, để bền vững thì các huyện nên xây dựng dự toán vừa phải, sát với thực tế hơn là đi xây dựng quá mức mà không đạt được.

*Ông Nguyễn Trung Quân– Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư, xây dựng và Kinh doanh dịch vụ Quảng Ngãi: Cần xem xét tính khả thi trước khi trình dự án
Trong thời buổi thu ngân sách khó khăn như hiện nay thì nguồn thu từ khai thác quỹ đất là nguồn thu rất lớn, giúp tỉnh và các địa phương thực hiện phát triển đô thị. Tuy nhiên, nguồn thu này lại không ổn định mà phụ thuộc vào thị trường. Bởi thị trường nào cũng phải căn cứ vào cung cầu. Một khi “cung vượt quá cầu” thì hàng hóa sẽ ế ẩm. Tương tự thị trường bất động sản cũng thế. Do đó, để việc khai thác quỹ đất có hiệu quả thì các nhà đầu tư cũng nên tính toán, xem xét tính khả thi trước khi trình dự án.

 


T.NHỊ - H.HOA




 


.