(Báo Quảng Ngãi)- Trong những năm gần đây, nhiều trẻ em mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn tại cộng đồng được các tổ chức, cá nhân nhận đỡ đầu, giúp đỡ lâu dài đã giúp các em có được động lực vươn lên trong cuộc sống, học tập.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Em Phan Thanh Hải, ở xã Bình Thanh Đông (Bình Sơn), là một trong nhiều trường hợp được nhận bảo trợ dài hạn tại cộng đồng. Hiện Hải đang học lớp 9, sống cùng em trai là Phan Thanh Huy tại ngôi nhà mà cha mẹ hai em để lại.
Nhờ sự hỗ trợ của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam mà anh em Hải được chăm sóc tại gia đình và tiếp tục đến trường. |
Năm 2012, cha mẹ hai em qua đời sau một vụ tai nạn giao thông. Lúc đó, Huy chỉ mới 5 tuổi, đi cùng với bố mẹ nên bị gãy chân, tay và bị thương ở đầu phải điều trị ở Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Bà nội hai em cho biết: Thời gian đầu cha mẹ các cháu mới mất, gia đình rất khó khăn. Sau tai nạn, Huy phải mất 2 năm mới đi lại bình thường.
Ai cũng khuyên cho Huy đến ở gia đình khác hoặc đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội, nhưng Hải nhất quyết không chịu”. Ông bà nội tuổi cao, nhưng vì thương hai cháu nên vẫn cố gắng chăm nuôi các cháu. Năm 2013, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam bắt đầu hỗ trợ Hải với số tiền 5 triệu đồng/năm. Tuy số tiền không lớn, nhưng đủ để anh em Hải có thêm tấm áo mới ngày tựu trường, bữa cơm mỗi ngày đủ đầy hơn.
Hay trường hợp của em Nguyễn Văn Nguyên, ở thôn Đông Quang, xã Phổ Văn (Đức Phổ). Nguyên mồ côi cha từ nhỏ, sống cùng bà ngoại, mẹ và chị gái. Kinh tế gia đình trông vào xe bán bánh bao của mẹ. “Nhiều lúc muốn cho cháu nghỉ học vì mình không đủ sức để nuôi nữa, nhưng thấy chúng nó ham học tôi lại không nỡ”, chị Huỳnh Thị Thu Phương, mẹ của Nguyên bộc bạch.
Chia sẻ với khó khăn của gia đình, Nguyên cũng được nhận sự hỗ trợ của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam trong 2 năm 2013, 2014. Sự hỗ trợ đó đã góp phần không nhỏ cho gia đình em vượt qua khó khăn, giúp Nguyên và chị gái vững bước trên con đường học tập. Nay Nguyên đã trở thành sinh viên Trường Đại học Y - Dược Huế.
Đây chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp trẻ em mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh được Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam bảo trợ dài hạn từ năm 2013 đến nay. Ngoài ra, trong 2 năm trở lại đây, có nhiều chương trình từ thiện cũng đã thực hiện bảo trợ trẻ em tại cộng đồng, như chương trình Cặp lá yêu thương hỗ trợ 45 em học sinh trong tỉnh đến năm 18 tuổi, với số tiền tối thiểu 200.000 đồng/tháng; Công ty Bảo Việt Nhân thọ hỗ trợ 10 em từ tháng 6.2016 - 6.2019, với số tiền 2,4 triệu đồng/năm và có rất nhiều các hội, đoàn thể tại địa phương nhận giúp đỡ, chung tay để nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại cộng đồng...
Ông Bùi Đức Thọ - Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh cho biết, với trẻ mồ côi hoặc gia đình có cha mẹ ly hôn, có vấn đề về tâm lý... thì có thể áp dụng hình thức “chăm sóc thay thế” này (trợ cấp cho ông bà, anh chị em ruột chăm sóc). Với mô hình “chăm sóc thay thế”, chúng tôi giúp nhiều gia đình gặp khó về sinh kế, tiền học phí cho trẻ... vượt qua khó khăn.
Giúp trẻ một mái ấm gia đình vẫn tốt hơn là sống trong các cơ sở bảo trợ xã hội tập trung, bởi không đâu bằng mái ấm gia đình. "Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm nhiều nguồn lực để hỗ trợ các em được đến trường và được chăm sóc trong môi trường gia đình tốt hơn", ông Bùi Đức Thọ nói.
Bài, ảnh: VŨ YẾN