(Baoquangngai.vn)-
Tuy cơ thể không được lành lặn như những trẻ em bình thường khác, nhưng từ đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của mình, các em học sinh Trường giáo dục trẻ khuyết tật tỉnh đã biến những chiếc quần jean, kaki cũ bạc màu thành ba lô, túi xách độc đáo… Và với sự giúp đỡ của thầy cô nhà trường, những chiếc ba lô tái chế độc đáo của các em đã có những đơn đặt hàng đầu tiên.
Sản phẩm của sự tỉ mỉ
Mới 7 giờ 30 phút sáng, nhưng gần 20 học sinh của trường đã có mặt đông đủ tại lớp kỹ năng may công nghiệp và hào hứng thực hiện các công đoạn may ba lô jean từ quần áo cũ. Không nhanh nhẹn được như những trẻ em bình thường, nhưng bù lại, từng đường kim, mũi chỉ được các em thực hiện rất khéo léo, tỉ mỉ.
Các em học sinh Trường khuyết tật tỉnh sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau trong các lớp học kỹ năng may công nghiệp. |
Đảm nhận công đoạn may và trang trí phần thân ba lô, em Trịnh Thị Phương Thảo một học sinh bị khiếm thính ra hiệu rằng từ sáng đến giờ, chỉ mất chưa đầy 30 phút, Thảo đã may hoàn thành chiếc ba lô jean đầu tiên.
Còn em Lê Văn Sơn, một trẻ em chậm phát triển trí tuệ, đang thực hiện dở dang công đoạn gắn dây kéo, đính khóa cho ba lô thì Sơn quên mất cách làm. Nhưng liền sau đó, khi được bạn cùng lớp tỉ mỉ hướng dẫn lại, Sơn lại chăm chú lắng nghe và thực hiện lại từ đầu….
Theo cô Trang Lê Lê- giáo viên phụ trách lớp kỹ năng may công nghiệp của trường bộc bạch: “Đối với các em bị khiếm thính, tuy cơ thể bị khiếm khuyết nhưng các em lại tiếp thu kỹ năng may rất nhanh. Chỉ cần tỉ mỉ hướng dẫn khoảng 3 tháng, là các em đã có thể may thành thục một sản phẩm ba lô hoàn hảo. Còn đối với các trẻ bị chậm phát triển trí tuệ, thì thời gian hướng dẫn có thể kéo dài hơn. Nhưng điểm chung của các em đó là, đều rất ngoan và kiên trì, không dễ dàng nản lỏng, hay bỏ cuộc.”
Để ba lô tái chế có thể vươn xa…
Nói về ý tưởng hướng dẫn học sinh may ba lô tái chế, chị Bùi Thị Kim Khánh, Tổ trưởng Tổ hướng nghiệp dạy nghề của nhà trường cho biết: “Trước đây, các em học lớp kỹ năng may công nghiệp tuy được dạy thành thục về kỹ năng, nhưng sản phẩm làm ra lại chưa mang tính ứng dụng cao nên không bán được ra thị trường.
Vậy nên, khi tình cờ xem một clip hướng dẫn cách may ba lô, tạp dề, ví cầm tay từ quần áo cũ, tôi chợt nghĩ, tại sao mình không hướng dẫn học sinh may các dòng sản phẩm đơn giản nhưng có tính ứng dụng cao để có thể dễ dàng tìm kiếm khách hàng”.
Những sản phẩm ba lô đẹp mắt, độc đáo từ đôi bàn tay khéo léo của trẻ em khuyết tật. |
Đôi bàn tay bị dị tật co quắp, nhưng các em vẫn kiên nhẫn, tỉ mỉ thực hiện các công đoạn may ba lô. |
Nghĩ là làm, sau khi thống nhất ý tưởng, thầy cô Trường giáo dục trẻ khuyết tật tỉnh bắt tay ngay vào việc hướng dẫn hướng dẫn các em kỹ năng may ba lô tái chế và tiếp sau đó, là linh hoạt giúp các em tìm kiếm khách hàng.
“Chiếc ba lô đầu tiên do các em thực hiện được tôi đăng tải trên trang facebook cá nhân vào đầu tháng 8. Thì đến giữa tháng 8, các em có được đơn đặt hàng đầu tiên. Và đến nay, ngoài những đơn đặt hàng trong tỉnh, còn có đơn đặt hàng đến từ ngoài tỉnh như Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương…”- Cô Khánh vui mừng chia sẻ.
Có những thành công bước đầu trong giúp các em khuyết tật vừa rèn luyện được kỹ năng may công nghiệp, vừa tăng thêm thu nhập, nhưng hiện thầy và trò trường giáo dục trẻ khuyết tật tỉnh đang gặp phải khó khăn trong tìm kiếm nguồn nguyên liệu.
“Để có nguồn nguyên liệu cho các em may ba lô tái chế, thầy cô nhà trường phải linh động đi xin, đi mua từ các cửa hàng quần áo cũ hoặc vận động từ cán bộ, giáo viên nhà trường nhưng vẫn không đủ. Vì vậy, chúng tôi rất mong, nếu các gia đình, cá nhân nào có quần áo jean, kaki cũ… không còn nhu cầu sử dụng, có thể liên hệ với nhà trường để giúp đỡ nguồn nguyên liệu cho các em”- Hiệu trưởng Trường giáo dục trẻ khuyết tật tỉnh Trương Quang Nghĩa kêu gọi.
Bài, ảnh: Thu Phương