Tranh chấp đất ở Trà Bình: Cần sớm giải quyết dứt điểm

09:09, 29/09/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Đã 7 năm trôi qua kể từ cơn bão số 9 vào năm 2009, vụ tranh chấp đất lâm nghiệp giữa người dân hai xã Trà Bình ( huyện Trà Bồng) và Bình Mỹ (Bình Sơn) vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa, gây bức xúc trong dư luận.

 
 “Lỡ chửa thì… phải đẻ thôi!”
 
Bà Huỳnh Thị Hoàng Nga, 60 tuổi (thôn Bình Đông, xã Trà Bình) đã than như vậy với chúng tôi về câu chuyện nửa đùa, nửa thật. Khi mà, diện tích đất lâm nghiệp của gia đình bị đối tượng ngoài xã ngang nhiên lấn chiếm. Thấy thế các đối tượng khác trong xã cũng ồ ạt “nhảy vào”. “Ong lâu ngày vỡ tổ” khiến bà quyết định khởi kiện đến tòa, nhưng kết quả cũng chẳng đi đến đâu. Bà bộc bạch: “Bí bách quá mới dính vào chuyện kiện cáo, chứ vừa tốn tiền vừa mệt thân”.
 
Năm 1999, bà Nga được Lâm trường Trà Bồng cho thuê 29,5ha đất lâm nghiệp nằm trong phạm vi xứ đồng Vườn Cới, Vườn Đình (xã Trà Bình). Việc cho thuê đất nhằm khai hoang, cải tạo lại rừng bạch đàn đã già cỗi, không còn khả năng phát triển để trồng lại cây keo trong thời gian 28 năm, 4 chu kỳ.
 
Nắm bắt được triển vọng của cây keo nguyên liệu, sau khi được lâm trường bàn giao số diện tích cho thuê, bà vay ngân hàng, tìm nhân công cải tạo đất. “Năm đó, chỉ riêng tiền khai hoang đã ngốn hết của gia đình tôi ít nhất 600 triệu đồng”, bà Nga kể. 
 
Phần keo trồng lớn tuổi hơn là một trong những diện tích mà Nga được thuê ở xứ đồng Vườn Đình nhưng bị người dân Trà Bình xâm chiếm
Phần keo trồng lớn tuổi hơn là một trong những diện tích ở xứ đồng Vườn Đình mà bà Nga được canh tác trong vòng 49 năm, nhưng bị người dân Trà Bình xâm chiếm.
 
Tuy nhiên, vừa cải tạo đất xong, người dân Bình Mỹ (huyện Bình Sơn) “nhảy vào” tranh dành vô cớ. Chính quyền các cấp vào cuộc, giải quyết, trả lại đất. Bà tiếp tục với việc cải tạo đất, trồng mì, lấy ngắn nuôi dài. Sau khi thu hoạch mì thì trồng keo như hợp đồng đã ký với Lâm trường Trà Bồng.
 
Những tưởng lần này sẽ thu hoạch được “quả ngọt” nhưng đến năm 2006, cơn bão số 6 đã cuốn đi tất cả vốn liếng gầy dựng. Nhìn những đám keo đang xanh mơn mởn nằm la liệt giữa rừng núi, bà bất lực cho một số hộ dân quen biết trong vùng trồng dưa cải tạo đất.
 
Một thời gian sau, bà lấy lại tiếp tục trồng mì, keo. Như trêu người, đến năm 2009, cơn bão số 9 một lần nữa khiến bà Nga mất trắng. Trong khi đó, nợ ngân hàng với lãi suất cao lại đang “bủa vây”. Thế mà, lợi dụng thời cơ, 19 người dân ở Bình Mỹ (Bình Sơn) tiếp tục nhảy vào chiếm khoảng 1/2 diện tích bà đang thuê ở xứ đồng Vườn Cới. Gần như suy sụp với căn bệnh tai biến, bà vẫn cần mẫn cầm đơn đi kiện khắp nơi, những mong lấy lại những gì thuộc về mình.
 
“Nghĩ đến công tôi khai hoang, cải tạo vùng đất cằn, năm 2014, UBND huyện Trà Bồng đã cấp sổ đỏ cho tôi với 50.753m2 (hơn 5 ha) thuộc xứ đồng Vườn Đình mà tôi đang canh tác để sử dụng lâu dài trong 49 năm”, bà Nga cho biết.
 
Ấy vậy mà, đến nay, dù đã cầm chắc trong tay tờ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mà đất vẫn không thuộc về bà Nga. Bà chỉ đang canh tác khoảng 600m2 trong 5ha ở xứ đồng Vườn Đình. Còn lại, 30 hộ dân ở Trà Bình đã tự ý lấy đất trồng keo từ năm 2014.
 
Đất do ông bà để lại?
 
Như vậy, tính đến thời điểm này, trong khoảng 29,5ha mà bà Nga từng thuê của Lâm trường Trà Bồng vào năm 1999 thì có đến 15ha bị người dân Bình Mỹ xâm chiếm. Phần còn lại là gần 10ha và hơn 5ha được cấp sổ đỏ của bà Nga đều là do người dân Trà Bình tranh giành.
 
Xứ đồng Vườn Cới- Đây chính là khu vực có 15 ha đất lâm nghiệp đang xảy ra tình trạng tranh chấp, xâm chiếm giữa người dân Bình Mỹ (huyện Bình Sơn) với người dân Trà Bình (huyện Trà Bồng).
Xứ đồng Vườn Cới- Đây chính là khu vực có 15ha đất lâm nghiệp đang xảy ra tình trạng tranh chấp, xâm chiếm giữa người dân Bình Mỹ (Bình Sơn) với người dân Trà Bình (Trà Bồng).
 
Từ nhiều năm nay, vì tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất ở vùng giáp ranh giữa xã Bình Mỹ và xã Trà Bình mà tình hình an ninh trật tự ở đây luôn trong tình trạng bất ổn.  
 
Ông Nguyễn Công Hành- Chủ tịch UBND xã Trà Bình, cho biết: “Ban đầu chỉ có một vài hộ, nhưng đến nay, theo thống kê đã có 19 hộ. Việc người dân Bình Mỹ tranh chấp, chậm giao đất lại gây ra nhiều bức xúc trong nhân dân, khiến cho địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc thu hồi, phân bổ nguồn đất cho các công trình, dự án trên địa bàn. Thấy vậy, số hộ dân Trà Bình chiếm đất cũng không chấp hành việc giao đất, dù địa phương đã rất nỗ lực tuyên truyền”.
 
Chúng tôi lần theo danh sách 19 hộ dân này, hầu hết người dân đều khẳng định đây là những phần đất gia đình để lại từ xa xưa nên “có quyền sử dụng”.
 
Theo ông Phạm Ngọc Danh, 54 tuổi, thôn An Phong (xã Bình Mỹ) thì 5 sào đất ông đang canh tác là của cha mẹ mình để lại từ trước năm 1975. Sau này, khi thực hiện chính sách “giao đất, giao rừng”, gia đình ông Danh giao lại phần này cho Lâm trường Trà Bồng để trồng bạch đàn. “Bây giờ, lâm trường triển khai không hiệu quả, còn cho người khác thuê mà không giao lại cho dân thì chúng tôi buộc phải lấy lại”, ông Danh nhấn mạnh.
 
Ông Trần Như Anh- Cán bộ địa chính xã Bình Mỹ, chia sẻ: “Địa phương nắm rõ tình hình này và bày tỏ quan điểm hợp tác với xã Trà Bình nói riêng và huyện Trà Bồng nói chung. Thời gian đến, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động số hộ dân nếu có lấn chiếm đất, trả lại đất cho xã Trà Bình”.
 
Cũng theo ông Anh, huyện Trà Bồng cần xác định lại diện tích 19 hộ lấn chiếm. Cùng với đó, cần phải có phương án hỗ trợ đối với những diện tích keo chưa đến độ tuổi thu hoạch cho người dân. Sau khi thu hồi, huyện cũng cần có chính sách ưu tiên cho các hộ dân này để họ được thuê lại đất để canh tác…
 
Tại cuộc họp mới đây vào ngày 19.4.2016 với các địa phương, ban, ngành liên quan, ông Trần Văn Sương- Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng thẳng thắng cho biết, nguyên nhân sâu xa xảy ra tình trạng này là do việc giao đất cho Lâm trường Trà Bồng và công tác quản lý đất đai của huyện còn buông lỏng, chưa chặt chẽ. Thời gian tới, huyện sẽ cương quyết hơn nữa để thu hồi giao cho xã Trà Bình quản lý, đồng thời đưa phần diện tích này vào vùng phát triển kinh tế trang trại, theo quy hoạch nông thôn mới.
 
Hiện nay, địa phương rất mong muốn chính quyền các cấp sớm giải quyết dứt điểm các tình trạng xâm chiếm đất như phản ánh. Riêng bà Nga, sau nhiều năm khởi kiện, bà đã nhận được quyết định từ tòa án về việc có 2 hộ dân trong tổng số 30 hộ xâm chiếm đất ở Vườn Đình đồng ý bàn giao đất vào năm 2018, sau khi thu hoạch keo và chia lại cho bà 50% sản lượng. Bà cũng mong sớm nhận lại toàn bộ phần diện tích còn lại được cấp sổ đỏ cũng như công sức, tiền bạc mà gia đình bà đã đầu tư.
 
 
Bài, ảnh: Thiên Hậu
 

.