Dự án trồng rừng ở Lý Sơn: Khả năng không đạt kế hoạch

08:09, 14/09/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Quá trình triển khai Dự án trồng rừng phòng hộ cảnh quan môi trường huyện Lý Sơn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy dù chỉ còn 3 tháng nữa là hết thời gian thực hiện dự án (2011 – 2016), nhưng tổng giá trị đã thực hiện chỉ đạt khoảng 63%.

TIN LIÊN QUAN

Đảo Lý Sơn có vai trò đặc biệt quan trọng về an ninh quốc phòng, đồng thời cũng là điểm tham quan du lịch và nghỉ dưỡng lý tưởng đối với du khách. Xác định đầu tư tăng cường hệ thống cây xanh cảnh quan để cải thiện môi trường và phòng hộ chống xói mòn, duy trì nguồn nước ngầm là một việc làm cấp thiết, nên năm 2011, UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án trồng rừng phòng hộ cảnh quan môi trường huyện Lý Sơn với quy mô 130ha, trong đó diện tích trồng rừng là 118ha, diện tích trồng cây cảnh quan là 12ha. Thời gian thực hiện dự án trong 5 năm (từ 2011 – 2016), do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh làm chủ đầu tư.

 

Tỷ lệ cây sống trên núi Thới Lới đạt thấp, vì điều kiện thời tiết bất lợi và đất đai khá cằn cỗi.
Tỷ lệ cây sống trên núi Thới Lới đạt thấp, vì điều kiện thời tiết bất lợi và đất đai khá cằn cỗi.

Tuy nhiên, sau gần 5 năm thực hiện, dự án gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Dù chỉ còn 3 tháng nữa là hết thời gian thực hiện dự án, nhưng diện tích trồng mới chỉ được 84,3ha, trong khi kế hoạch đưa ra là 118ha. Trong đó, 20,7ha trồng tại núi Hòn Sỏi có tỷ lệ cây sống đạt trung bình 90%; 43ha trồng tại núi Giếng Tiền có tỷ lệ cây sống đạt 85%; 2ha rừng trồng tại núi Hòn Tai, tỷ lệ cây sống chỉ đạt 70%. Còn 38,5ha rừng trồng tại núi Thới Lới, từ năm 2012 – 2015, đơn vị thi công đã thực hiện trồng rừng 3 lần, với diện tích khoảng 10,4ha nhưng bò, dê của nhân dân chăn thả rông giẫm đạp, ăn cây, nên bị hư hại hoàn toàn.

"Việc người dân chăn thả bò, dê trên núi Thới Lới, ảnh hưởng đến dự án trồng và phát triển rừng, địa phương đã họp dân và yêu cầu người dân phải áp dụng hình thức nuôi nhốt, không thả rông. Tuy nhiên, hiện chỉ có người dân xã An Vĩnh thực hiện tốt việc nuôi nhốt, còn người dân xã An Hải, do vẫn chưa chủ động được nguồn thức ăn cho bò, dê, nên chưa đồng ý với phương án nuôi nhốt. Vì vậy, địa phương tiếp tục tiến tới xây dựng phương án quy hoạch vùng chăn nuôi bò, dê riêng biệt và giao lại cho dân".
Phạm Thị Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn.

Đến năm 2016, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Lý Sơn đã rào dây kẽm gai xung quanh khu vực trồng rừng, cử lực lượng bảo vệ thường xuyên, thì mới trồng và phát triển được khoảng 8,6ha rừng tại núi Thới Lới.

Tại đảo Bé, 10ha rừng trồng năm 2013, tỷ lệ cây sống chỉ 3%. Cuối năm 2014, Ban CHQS huyện Lý Sơn đã đem cây phi lao và chở đất đồi qua trồng lại khoảng 10ha rồi sau đó tiếp tục trồng xen cây bồ đề. Tuy nhiên, hiện nay, do ảnh hưởng của gió biển, nhất là tại những khu vực giáp với biển, tỷ lệ cây chết lên đến 70%.

Nói về nguyên nhân khiến việc trồng rừng chưa đạt theo kế hoạch đề ra, thượng tá Phan Thanh Hùng - Trưởng Ban Quân nhu (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) cho biết, do điều kiện thời tiết vùng đảo khắc nghiệt, mùa nắng thiếu nước tưới, gió biển thổi mạnh làm lay gốc, khô héo dẫn đến chết cây.

Đất đai một số vùng khô cằn, tầng đất mặt bị xói mòn tại núi Hòn Tai, Thới Lới gây ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển cây trồng. Đặc biệt, tại khu vực Thới Lới, có những khu vực trồng cây, nhưng chưa ngăn chặn triệt để được bò, dê thả rông, dẫn tới cây trồng không sống được vì bị giẫm đạp, ăn lá...

Cũng theo thượng tá Phan Thanh Hùng, để triển khai thực hiện hoàn thành các hạng mục công trình trồng, chăm sóc rừng và trồng cây cảnh quan trên đảo Lý Sơn hoàn thành kế hoạch đề ra và đạt hiệu quả, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương kéo dài dự án đến năm 2020, hoặc đánh giá kết thúc giai đoạn 1, lập Dự án bảo vệ và trồng rừng giai đoạn 2. Đồng thời, đề nghị các cơ quan chức năng, chính quyền huyện Lý Sơn có biện pháp xử lý đối với các đối tượng cố tình vi phạm các quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.

Bài, ảnh: Ý THU

 

.