(Baoquangngai.vn)- Hơn một năm qua, Trung tâm Nuôi dưỡng phục hồi chức năng nạn nhân chất độc da cam huyện Đức Phổ đã trở thành ngôi nhà nhân ái của những nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Địa chỉ yêu thương
Trung tâm Nuôi dưỡng phục hồi chức năng nạn nhân chất độc da cam (TTNDPHCNCDDC) huyện Đức Phổ nằm nép mình bên cạnh tổ dân phố 3, thị trấn Đức Phổ. Mọi người thường gọi đây là ngôi trường đặc biệt.
Ở đó có những đứa trẻ thiểu năng say sưa với từng câu hát, vụng về với những điệu múa, con chữ mà có khi mất cả năm trời mới tập được. Ở đó không có game online, không có mạng xã hội facebook để “nghiện”, không có smartphone, iPad… để thỏa mãn sở thích, nhu cầu tối thiểu của một đứa trẻ bình thường ở thành phố.
Và, ở đó chỉ có những đứa trẻ mà chỉ cần được ai đó cho cây kẹo là cười sung sướng đến ngây ngô. Các em nhận quà, muốn nói lời cảm ơn nhưng chỉ biết cúi đầu, nói không rõ tiếng.
Các em ở trung tâm chăm chỉ học theo cô giáo Ý. |
Khép mình ở một góc phòng học khi tiếp đón những người khách lạ, em Đặng Thị Phương Thảo (12 tuổi, xã Phổ Minh) dù không được tỉnh táo nhưng vẫn nhận biết được mọi người ở xung quanh.
Em nhẹ nhàng nở một nụ cười thánh thiện, chỉ tiếc là không thể trò chuyện được vì câm điếc, việc đi lại không bình thường. Thoạt nhìn, không ai nghĩ cô bé đang mang trong mình căn bệnh quái ác.
Hoàn cảnh của em xót xa hơn khi vừa sinh ra đã không biết ba mẹ mình là ai. Em được một gia đình hảo tâm nhận nuôi từ bệnh viện tỉnh. Lúc ấy, Thảo vẫn như bao đứa trẻ bình thường khác.
Tuy nhiên khi vừa gần một tuổi, em không đứng vững được, chỉ cần nhích chân là ngã. Em cũng không nói cười như chúng bạn, lại bị tật ở môi và mắt. Lo lắng, gia đình vội đưa con đi khám và chết lặng khi bác sĩ thông báo đứa trẻ này bị nhiễm chất độc da cam.
“Gia đình cũng từng đưa cháu đi khám nhiều nơi nhưng không có tiến triển. Chi phí tốn kém quá mà hoàn cảnh gia đình lại khó khăn. Từ ngày có TTNDPHCNCDDC ở tại địa phương, tôi cũng an tâm để cháu được học tập và chăm sóc tại đây”, anh Đặng Thanh Hùng, 38 tuổi- ba của Thảo cho hay.
Trung tâm hiện nay nuôi dưỡng 18 em bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam như Thảo, và đang làm hồ sơ tiếp nhận thêm 3 thành viên. Các em đều có số phận khác nhau, đa phần là thiểu năng trí tuệ, dị tật vận động chân tay, câm điếc và bệnh đao.
Trong tuần, trừ thứ 7 và chủ nhật, các em đều đặn theo học tại trung tâm, từ các chương trình học để phục hồi chức năng đến việc học cách nhận biết, quan sát mọi vật xung quanh, học toán, tiếng Việt… Những “chiến binh bé nhỏ” ấy vẫn luôn từng ngày trỗi dậy, vượt lên số phận để làm được những việc mà “những đứa trẻ bình thường cho là quá bình thường”.
Hiện nay trung tâm còn nhận phục hồi chức năng cho những người lớn tuổi- nạn nhân chịu ảnh hưởng trực tiếp với chất độc da cam. |
“Sau hơn một năm theo học, cháu có vẻ dễ hòa nhập, dạn dĩ hơn trước, có thể đi vài bước được rồi. Mười mấy năm ở bên cạnh chăm sóc cháu, giờ mới thấy cháu chập chững đi được, gia đình ai cũng mừng lắm!”, anh Hùng phấn khởi cho biết.
Ngoài những đứa trẻ, hiện nay trung tâm còn nhận phục hồi chức năng cho hơn 10 người lớn tuổi- những nạn nhân chịu ảnh hưởng trực tiếp với chất độc da cam.
Những ông bụt, bà tiên
Ở trung tâm, các nạn nhân không chỉ được nuôi dưỡng, phục hồi chức năng mà quan trọng hơn, nơi đây đã gieo mầm hy vọng, tiếp thêm nghị lực, cổ vũ khát vọng sống và vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Không thể nhắc đến sự nỗ lực rất lớn từ những người có tâm huyết, có trái tim nhân ái, hướng đến cộng đồng. Trung tâm hiện có 6 cô giáo, nhân viên đang trực tiếp chăm sóc cho các em với đồng lương ít ỏi.
Thương những trẻ em đang từng ngày vật lộn với nỗi đau da cam, dù có nhiều cơ hội làm việc ở Sài Gòn sau khi tốt nghiệp đại học nhưng cô giáo trẻ Trần Thị Như Ý, 25 tuổi, đã tình nguyện gắn bó cùng các em với mức lương mỗi tháng vỏn vẹn 2,2 triệu đồng.
Ý bảo rằng: “Không ai được quyền chọn số phận, gia đình để sinh ra, số phận cay đắng khiến các em mang trong mình căn bệnh quái ác. Mình chỉ mong đóng góp được một phần nhỏ từ sự cố gắng, tình yêu thương của bản thân cho các em. Nhìn từng đứa trẻ mỗi ngày một trưởng thành, mình thấy như sống có ích hơn”.
Các cô giáo tận tình chăm từng bữa ăn cho các em. |
Bí quyết nuôi dạy các cháu của Ý là muốn trẻ nghe mình thì phải mềm mỏng trong giao tiếp, linh hoạt xử lý tình huống theo hướng có lợi cho trẻ, quan trọng phải thật sự yêu thương chúng. Bởi lẽ, đặc tính của trẻ em nhiễm chất độc da cam rất thất thường, dễ nổi nóng, cáu gắt, cố chấp.
Để công việc chăm sóc, tập luyện tiến triển tốt thì các cô giáo ở đây buộc phải hóa thân thành người mẹ hiền, bà tiên để lắng nghe và thấu hiểu ngôn ngữ của trẻ. Có vậy mới mong cảm hóa được tính cách, hành động của trẻ, hướng chúng theo ý mình.
Khó khăn lớn nhất trong chăm sóc nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin là việc tắm rửa, ăn uống, vệ sinh. Công việc này chỉ có người thân hoặc người được trẻ yêu mến mới làm được. Nhìn các cô giáo vừa dạy học xong, lại tất bật lo cơm trưa, đút cho trẻ ăn, vừa cười nói làm trẻ vui mới thấy hết tình thương của các cô dành cho các em.
Hay như ông Nguyễn Văn Toàn- Phó Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam huyện Đức Phổ, kiêm Giám đốc trung tâm, người mà hơn một năm qua đã tình nguyện dành tặng toàn bộ số tiền lương làm công tác quản lý ở đây để bổ sung thêm cá thịt trong bữa ăn cho “những đứa con” của mình. Ngày ngày, vẫn xách cặp đi vận động, quyên góp kinh phí hoạt động cho trung tâm...
“Thời chiến tranh loạn lạc, tôi và nhiều đồng đội đã đổ xương máu trên chiến trường. Thời bình, tôi may mắn còn sống sót. Tôi chỉ mong góp được một phần rất nhỏ bé sức lực, tình cảm nhằm làm xoa dịu, vơi bớt đi phần nào nỗi đau da cam dai dẳng cho gia đình các đồng đội của mình. Đó thực sự là một niềm an ủi, niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi...”. Ông Toàn tâm sự.
Bài, ảnh: Thiên Hậu