Hai người mẹ của nạn nhân chất độc da cam

01:06, 13/06/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trung tâm nuôi dưỡng và phục hồi chức năng (PHCN) cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin (CĐDC) xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) nằm trong con đường nhỏ ở trung tâm xã. Buổi trưa hè nóng bức, vẫn vọng tiếng cười nói cộng với tiếng ê a đọc bài của những nạn nhân đến đây tập luyện. Từ lâu, trung tâm đã trở thành ngôi nhà thứ hai của họ - những con người không may mắn về thể chất, nhưng lại có được tình thương của 2 người “mẹ” đã giúp họ vươn lên trong cuộc sống.

TIN LIÊN QUAN

Công việc của "mẹ"

Tiếng ve đã râm ran gọi hè, những ngôi trường vắng tiếng học trò nằm im lìm ẩn mình sau tán phượng đỏ rực. Tại Trung tâm nuôi dưỡng và PHCN xã Nghĩa Thắng, dưới tán phượng, đám trẻ em vẫn nô đùa vui vẻ sau những giờ luyện tập vất vả. Chị Nguyễn Thị Kim Hương (36 tuổi) cán bộ điều dưỡng bảo, “học sinh” ở trung tâm không nghỉ hè đâu, các em thích đến đây nên ngày nào lớp cũng đầy đủ lắm.

Chị Nguyễn Thị Kim Hương hướng dẫn tập phục hồi chức năng cho các nạn nhân chất độc da cam.
Chị Nguyễn Thị Kim Hương hướng dẫn tập phục hồi chức năng cho các nạn nhân chất độc da cam.


Hiện có 10 nạn nhân đang được trung tâm nuôi bán trú, ngoài ra còn có 15 trường hợp học không thường xuyên. Hiện trung tâm có 3 cán bộ làm việc, trong đó chị Hương và cô Nguyễn Thị Hường (62 tuổi) trực tiếp làm công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và hướng dẫn tập PHCN. Hết giờ giải lao, hai cô đưa nạn nhân vào phòng tập rồi hướng dẫn tận tình từng động tác, các nạn nhân cũng tự tập những bài tập PHCN một cách nhịp nhàng.

Cô Hường tâm sự: Để có được sự nền nếp như thế này, chúng tôi rất vất vả trong thời gian đầu. Bởi lẽ, nạn nhân CĐDC thường không chỉ khuyết tật về thể chất mà cả tinh thần. Những ngày đầu thành lập, những trường hợp được đưa đến người thì không đi được, cháu thì không biết gì, tâm lý không ổn định nên các cô bị giật tóc, bị đánh, hay chuyện nạn nhân thường xuyên phá phách hoặc trốn khỏi trung tâm là chuyện thường xuyên xảy ra. Nhưng nhờ sự tận tâm dìu dắt, quan tâm đến bữa ăn, giấc ngủ, rèn luyện sức khỏe như những người mẹ thực thụ đã giúp các nạn nhân từng bước hòa nhập với cộng đồng.

Cậu bé Nguyễn Văn Thu (17 tuổi) cũng là nạn nhân thế hệ thứ 2, mẹ mất sớm, gia cảnh lại nghèo, Thu tật nguyền lại không được chăm sóc tốt nên gầy như que củi. Ấy vậy mà giờ đây, Thu đã có thể đi lại được, sức khỏe đã tốt lên rất nhiều. Thu bảo: “Nhờ có mẹ Hường, mẹ Hương giúp đỡ nên con mới khỏe như thế này”.

“Mình không làm thì ai làm”

Trung tâm nuôi dưỡng và PHCN cho nạn nhân CĐDC xã Nghĩa Thắng được đưa vào hoạt động từ cuối năm 2011. Sự ra đời của trung tâm nhằm hỗ trợ PHCN cho đối tượng nạn nhân CĐDC trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, hoạt động của trung tâm chỉ dựa vào nguồn kinh phí hạn chế mà Hội NN CĐDC tỉnh vận động từ các nhà hảo tâm. Vì thế, chị Hương và cô Hường hàng tháng chỉ nhận được khoản phụ cấp 1,7 triệu đồng.

 Chị Hương trước đây học điều dưỡng đa khoa nhưng không tìm được việc làm, theo chồng về xã Nghĩa Thắng làm ăn buôn bán nhưng chị vẫn đau đáu ý nghĩ muốn làm công việc phù hợp với nghề nghiệp đã được học. Vì thế khi trung tâm thành lập, chị liền xin về làm ngay, mặc dù phụ cấp hằng tháng không bằng số tiền mình phải trả cho người làm ở cơ sở kinh doanh của gia đình, nhưng chị nghĩ nạn nhân cần mình nên vẫn quyết tâm đi làm. Còn với cô Hường, ngoài thời gian ở trung tâm, cô Hường còn tranh thủ trồng lúa, nuôi bò tăng gia sản xuất, vì thu nhập ở trung tâm không đủ trang trải cuộc sống.

Dù công việc tại trung tâm của chị Hương là điều dưỡng nhưng đối tượng lại hoàn toàn khác biệt, có nhiều dạng khuyết tật nên cả chị Hương và cô Hường phải tìm tài liệu về tập PHCN để có thể giúp đỡ nạn nhân. Nhiều lúc, vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên chị muốn nghỉ việc, nhưng với suy nghĩ mình mà nghỉ thì ai sẽ chăm sóc các nạn nhân nên 2 người lại gắn bó, đồng hành với các nạn nhân CĐDC.

Bài, ảnh: VŨ YẾN

 


.