Giữ gìn vệ sinh môi trường: Phải bắt đầu từ thay đổi nhận thức

04:07, 13/07/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Chưa bao giờ lượng rác thải sinh hoạt lại nhiều như bây giờ. Rác thải tràn lan khắp nơi, tiện nơi nào người dân vứt nơi đó, từ đường đi, ngõ xóm, kênh mương, ao hồ, sông, biển…

TIN LIÊN QUAN

“Tuyên chiến” với nạn vứt rác bừa bãi
 
Chỉ tay ra con đường nhựa thẳng tắp, tinh tươm, sạch trơn trước nhà, lão nông Trần Văn Thanh ở thôn An Hà 1, xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa) nở nụ cười đôn hậu kể: Trước đây, con đường này ngập rác, tối ngủ sáng mở mắt dậy lại phát hiện thêm nhiều túi rác vứt khắp nơi, nhất là ở các ngã ba đường, rác chất thành đống, ruồi nhặn đen kịt. 
 
Nhà ai ở gần đường, rác bốc mùi hôi thối, đi qua đi lại chịu không được, ông và một số bà con phải ra tay dọn đốt, nhưng chỉ trong một đêm mọi việc lại như cũ. 
 
Từ khi chính quyền địa phương phát động toàn dân chung tay xây dựng nông thôn mới, có xe rác về thu gom rác, bà con mừng khôn tả, từ đó mà đường làng, ngõ xóm trở nên sạch, đẹp hơn.
 
 
Nhiều người vẫn có thói quen vẫn rác ra giữa đường.
Nhiều người vẫn có thói quen vất rác ra giữa đường.
 
Một tháng mỗi gia đình bỏ ra có hơn chục nghìn đồng, nhưng nghẹt nỗi, không ít người tính toán từng đồng, không chịu đóng tiền thu gom rác để rồi vẫn cứ thói quen lén lút đổ rác ra đường. Một người làm được ắt có người thứ hai rồi người thứ ba. Giận quá ông Thanh là người đi tiên phong “tuyên chiến” với nạn đổ rác trộm, bụng nghĩ phải “rình” bắt quả tang.
 
Một buổi trưa hè đang hóng mát trước hiên nhà, ông Thanh bất ngờ thấy có chiếc xe máy chạy qua cái vèo, phía sau là một bao rác to tướng, ông nổ máy xe chạy theo. Chạy được một đoạn, chủ xe dừng lại quăng bao rác xuống đường cũng là lúc ông Thanh có mặt cảnh cáo.
 
Đến lần thứ hai, ông cũng “rình” bắt quả tang và bất ngờ là cả hai lần này đều là những cán bộ làm việc ở các cơ quan nhà nước. Những người ấy phải rối rít xin lỗi và hứa sẽ không có lần sau. 
 
Với quyết tâm dẹp nạn vất rác tuỳ tiện, bà con ở thôn An Hà kéo điện thắp sáng đường quê, đa số các gia đình trong xóm thường xuyên dọn vệ sinh trong và trước khuôn viên nhà mình và tự giám sát lẫn nhau.
 
Nhờ đó mà môi trường ở đây ngày càng sạch sẽ, đường làng ngõ xóm tinh tươm hơn, ý thức bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp, xây dựng nông thôn mới của người dân được nâng cao.
 
 
Các chị em phụ nữ kinh doanh tại bãi biển thôn Tân An (Nghĩa An) dọn rác trên bãi biển.
Các chị em phụ nữ kinh doanh tại bãi biển thôn Tân An (Nghĩa An) dọn rác trên bãi biển.
 
Từ việc trên, lão nông Thanh đúc kết kinh nghiệm: Bảo vệ môi trường thực ra không có gì to tát, mỗi người ý thức một chút thì môi trường sống của chúng ta sẽ trong lành hơn. Không nên cứ nói suông, mà nên thành lập các tổ tự quản, khuyến khích mọi người tự giám sát, nhắc nhở lẫn nhau.
 
Hiệu quả từ các tổ tự quản
 
Trong những năm qua, thực trạng một bộ phận người dân vứt rác thải sinh hoạt bừa bãi, làm cho môi trường bị ô nhiễm nặng nề, đặc biệt là ở nông thôn.
 
Trước thực trạng đó, môi trường được đưa vào là một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Hưởng ứng phòng trào, một số địa phương đã xây dựng các mô hình như: Khu dân cư tự quản, tổ tự quản bảo vệ môi trường để đẩy mạnh thực hiện tiêu chí này.
 
Tại xã Nghĩa An (TP. Quảng Ngãi), tổ tự quản của 30 chị em tiểu thương kinh doanh tại bãi biển thôn Tân An đã phát huy hiệu quả tích cực trong việc kinh doanh, đồng thời bảo vệ môi trường biển.
 
Chị Triêm, một thành viên của tổ cho biết, từ rác thải từ sông đổ ra biển bị sóng đánh dạt vào bờ, đến rác thải phát sinh do du khách ăn uống đều được hội viên quét dọn, thu gom, xử lý sạch sẽ. Chị em nào không dọn chúng tôi sẽ nhắc nhở.
 
 
Hố rác để gom rác lá cây của chị em phụ nữ xã Nghĩa Sơn.
Hố rác để gom rác lá cây của chị em phụ nữ xã Nghĩa Sơn.
 
Hay như tại xã Nghĩa Sơn, một xã miền núi, nơi có 98% dân số là người đồng bào dân tộc H’re của huyện Tư Nghĩa, hôm nay hầu như không thấy cảnh nhếch nhác vì rác thải cũng nhờ các tổ tự quản.
 
Nhà nào cũng có hố rác được xây dựng kiên cố để chứa rác từ lá cây rồi đốt lấy tro ủ thành phân bón cho cây, ruộng vườn, bao ni lông thì gom lại chờ xe rác đến chở. 
 
Cứ một tháng, các Tổ tự quản lại kêu gọi và tổ chức cho bà con tổng vệ sinh vệ sinh đường làng, ngõ xóm một lần, từng bước tạo ra hình ảnh khu dân cư  sạch đẹp.
 
Ông Nguyễn Phúc Long- Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh cho rằng: Hiện nay, môi trường là 1 trong 7 tiêu chí có ít xã đạt nhất, không phải cần nhiều kinh phí đầu tư mà cần nhất ở sự ý thức của người dân.
 
Từ những kết quả mà các mô hình trên mang lại, các địa phương nên tiếp tục nhân rộng để khuyến khích cộng đồng cùng chung tay bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, cũng là bảo vệ môi trường sống cho chính mình và cộng đồng.
 
 
Bài, ảnh: Ái Kiều
 

.