Chuyện ở nơi có tỷ lệ sinh con thứ 3 cao nhất tỉnh

09:07, 19/07/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Đời sống kinh tế còn nghèo nàn, nhiều hộ dân ở vùng cao Trà Bồng vì còn giữ lại những quan niệm cổ hủ, tiếp tục sinh đẻ nhiều con. Những năm qua, dù chính quyền địa phương và ngành y tế đã phối hợp để nỗ lực vận động, tuyên truyền nhưng tỷ lệ sinh con thứ 3 tại đây vẫn khá cao.
Ở tuổi 26, chị Hồ Thị Giáo ở thôn 2, xã Trà Thủy (Trà Bồng) đã rơi vào cảnh “một nách 3 con”. Gia đình khó khăn, không đủ ăn, đủ mặc, nay vừa mới sinh con gái thứ 3 mới hơn 4 tháng tuổi, chị Giáo chẳng thể làm gì ra tiền ngoài việc ở nhà chăm con.
 
Nhìn đứa con gái xinh xắn đang nằm nở nụ cười thơ ngây trên chiếc võng, chị Giáo rớt nước mắt kể về cảnh bị chồng hắt hủi vì không “chịu” đẻ con trai. “Nhà nghèo lắm, có lúc phải ăn bắp, ăn mỳ trừ cơm. Chồng đi làm nương làm rẫy thì lấy đâu ra đủ tiền nuôi con. Giờ đẻ đứa thứ 3 rồi vẫn con gái. Ổng không thèm bồng hay chăm các con đâu. Mà còn phải bắt sinh đến khi nào có con trai mới thôi”- Sau câu nói, chị nấc nghẹn vì thương các con còn nhỏ đã mang trên vai gánh nặng vô hình.

 

Nỗi buồn của chị Hồ Thị Giáo vì bị chồng ép phải sinh con trai nối dõi
Nỗi buồn của chị Hồ Thị Giáo vì bị chồng ép phải sinh con trai nối dõi.
 
Chứng kiến cảnh nghèo, đông con của gia đình chị Hồ Thị Giáo, chị Phạm Thị Lam- Cộng tác viên dân số tại thôn thở dài ngao ngán. Chị Lam cho biết: “Ở đây, nhiều gia đình còn mang nặng tư tưởng phải sinh con trai để có người nối dõi. Nên cứ bắt vợ phải sinh 3, sinh 4 thậm chí 5 đứa mà không nghĩ đến chuyện có nuôi nổi không”.
 
“Chúng tôi tranh thủ tới gõ cửa từng nhà khi trưa nắng, lúc thì buổi đêm. Bất kể lúc nào các gia đình ở nhà thì đều tới để giải thích, để tuyên truyền về những hậu quả của việc sinh nhiều con cho đồng bào hiểu. Những năm trước, chúng tôi còn bị xua đuổi vì cái tội “can thiệp vào chuyện riêng” của gia đình họ. Thời gian gần đây thì nhiều hộ dân cũng hiểu rồi, nhưng vẫn còn số ít mang nặng tư tưởng phải sinh nhiều con để đi rẫy, kiếm tiền”- chị Lam nói về sự vất vả trong công tác dân số ở vùng cao.
 
Không riêng ở Trà Thủy mới có tình trạng này, mà ở nhiều xã khác trên địa bàn huyện, câu chuyện đói nghèo do sinh nhiều con vẫn đang tiếp diễn. Nhiều hộ dân vẫn còn chưa thể thoát khỏi vòng tròn lẩn quẩn đói nghèo- sinh nhiều con- tiếp tục đói nghèo…
 
Toàn huyện Trà Bồng có trên 33 nghìn hộ nhưng có đến 20% hộ sinh con thứ 3. Từ đầu năm 2016 đến nay đã có 37 trường hợp sinh con thứ 3, với những xã có tỷ lệ cao như: Trà Thủy, Trà Sơn, Trà Hiệp…
 
Chính quyền địa phương và ngành y tế đang nỗ lực kéo tỷ lệ sinh con thứ 3 ở Trà Bồng giảm bằng cách tích cực tuyên truyền cho người dân hiểu về tác hại của việc sinh nhiều con
Chính quyền địa phương và ngành y tế đang nỗ lực kéo tỷ lệ sinh con thứ 3 ở Trà Bồng giảm bằng cách tích cực tuyên truyền cho người dân hiểu về tác hại của việc sinh nhiều con
 
Trước thực trạng này, ngành dân số huyện Trà Bồng đã huy động nhiều nguồn lực từ các nguồn vốn như 30a, chương trình mục tiêu quốc gia để tập trung cho công tác dân số và KHHGĐ. Theo đó, hàng năm đều tổ chức 2 chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản cho các chị em trong độ tuổi. Cấp phát các dụng cụ, vật dụng phòng tránh thai. Ngoài ra, tại mỗi thôn, xã đều thành lập các mô hình, câu lạc bộ không sinh con thứ 3.
 
Ông Đặng Văn Nam, Giám đốc Trung tâm Dân số KHHGĐ huyện Trà Bồng cho biết: Chúng tôi thường xuyên truyền thông xuống tận cơ sở để giúp người dân nhận thức được tác hại của sinh con thứ 3, sinh con đông. Từ đó, họ chấp nhận thay đổi hành vi để chấp nhận mô hình sinh đủ 2 con để đảm bảo gia đình ấm no, hạnh phúc.
 
Năm 2016, quyết tâm của Trà Bồng là sẽ giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 xuống từ 3 - 5% so với năm 2015. Đồng thời, sẽ đạt tỷ lệ 100% chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được chăm sóc, hướng dẫn các biện pháp phòng tránh thai hiệu quả. Đây cũng là cơ sở để huyện Trà Bồng giảm được tỷ lệ sinh con thứ 3, góp phần thực hiện tốt chính sách dân số  KHHGĐ ở địa phương.
 
Bài, ảnh: Thanh Phương
 

.