(Baoquangngai.vn)- Kể từ khi dây chuyền xử lý rác thải rắn sinh hoạt trên đảo Lý Sơn được Công ty TNHH TM Đa Lộc đưa vào vận hành chính thức đã hạn chế tối đa tình trạng ô nhiễm môi trường trên đảo. Đây là minh chứng rõ nét cho hiệu quả trong công tác xã hội hóa bảo vệ môi trường.
Cách đây tròn 1 năm, Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở huyện Lý Sơn do Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng, sau 3 năm khởi công đã chính thức đưa vào hoạt động.
Chính quyền và nhân dân vui mừng như mở hội vì kỳ vọng sẽ khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường vốn nan giải trên đất đảo lâu nay. Bởi lẽ, từ thời khai thiêng lập địa đến nay, rác thải sinh hoạt trên đảo chỉ được xử lý đốt thủ công, không ít người dân ý thức kém đã mang chúng đổ luôn ra biển, dẫn đến gây ô nhiễm nặng nề đến môi trường.
Thế nhưng, chỉ sau vài ngày vận hành, hệ thống xử lý này có cũng như không. Bình quân lượng rác thải mỗi ngày khoảng 20 tấn, nhưng lò đốt chỉ đốt được chưa đầy 1,5 tấn. Do vậy, lượng rác thải dư thừa trong khu vực nhà máy đã ô nhiễm càng ô nhiễm hơn, trong khi rác thải trong dân mỗi ngày thải ra càng nhiều.
|
Dây chuyền xử lý phân loại rác. |
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh đã thống nhất cho Công ty TNHHTM Đa Lộc tiếp quản và vận hành khu xử lý này theo hình thức xã hội hóa.
Công ty đã đưa dây chuyền xử lý rác thải rắn sinh hoạt trị giá gần 15 tỷ đồng vào hoạt động từ tháng 2.2016 đã hạn chế tối đa tình trạng ô nhiễm môi trường trên đảo, đảm bảo xử lý hết khối lượng rác mà người dân thải ra môi trường.
Hệ thống bao gồm các khu xử lý và phân loại rác công suất 50 tấn/ngày đêm, máy nghiền, hệ thống lò đốt, khu xử lý vi sinh, khu sản xuất phân bón, tất cả đều được xử lý và vận hành bằng dây chuyền theo mô hình công nghiệp đốt, tái chế và sản xuất phân bón khép kín.
Ông Trần Văn Ngọ- Quản lý Nhà máy cho biết, nhà máy có 23 lao động, trong đó đội thu gom có 9 người, kể từ khi đưa vào hoạt động đến nay, mỗi ngày có 8 chuyến xe thu gom rác ở 2 xã An Vĩnh và An Hải trong suốt cả tuần, chỉ nghỉ ngày chủ nhật.
Rác thải chở về nhà máy được bộ phận tiếp nhận, cân khối lượng và tập kết phun thuốc khử mùi, tiếp đó phân loại, tách lọc và đưa vào đốt.
|
Các công đoạn đều sử dụng máy móc. |
Với rác thải là bao ni lông, sẽ được đưa vào lò đốt, còn rác thải là chất hữu cơ được đưa vào hầm ủ mùn sau 30 ngày sẽ cho ra phân bón vi sinh bán cho dân sử dụng cho các loại cây trồng.
Trong quá trình hoạt động, nhà máy còn trồng cây xanh xung quanh khuôn viên nhà máy để tạo môi trường xanh hơn.
Bà Nguyễn Thị Thơ, ở thôn Đông, xã An Hải vui mừng cho biết: “Từ khi có nhà máy này, môi trường trên đảo sạch sẽ hơn, rác còn cũng ít. Bà con rất đồng tình với cách làm này để môi trường của đảo xanh- sạch- đẹp hơn”.
Theo ông Trần Đạo- Phó Trưởng Phòng TN&MT huyện Lý Sơn, việc xã hội hoá trong công tác bảo vệ môi trường là điều rất cần thiết, dây chuyền xử lý rác thải rắn sinh hoạt này ra đảo Lý Sơn đã phát huy hiệu quả thiết thực, đáp ứng được nhu cầu thu gom vận chuyển, xử lý rác thải, hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường cho đảo tiền tiêu.
Cũng theo ông Đạo, sắp tới, Phòng sẽ kiến nghị huyện kêu gọi lực lượng thanh niên tình nguyện trên đảo tiến hành thu gom lượng rác còn tồn đọng dưới nước như: trên biển, kênh mương… để nhà máy thu gom và xử lý triệt để, đồng thời kêu gọi người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, xây dựng hình ảnh đảo Lý Sơn trở thành một hòn đảo xanh- sạch- đẹp hơn trong mắt người dân và du khách.
Bài, ảnh: Ái Kiều