(Báo Quảng Ngãi)- Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực từ 1.1.2016 đã có nhiều điều chỉnh, bổ sung, hỗ trợ thỏa đáng, tạo điều kiện cho người lao động (NLĐ) tham gia để được nhận lương hưu khi không còn khả năng lao động. Tuy nhiên, phần đông lao động tự do vẫn chưa mặn mà với BHXH tự nguyện. Vậy nguyên nhân do đâu?
TIN LIÊN QUAN |
---|
Qua tìm hiểu chúng tôi nhận thấy, phần đông lao động có mức thu nhập ổn định, nhưng chưa hiểu rõ chính sách BHXH tự nguyện cũng như quyền lợi khi tham gia loại hình bảo hiểm này. Do đó, nhiều người thay vì đóng BHXH tự nguyện, thì lại chọn phương án gửi tiết kiệm tại ngân hàng hay tham gia bảo hiểm nhân thọ... Còn lao động tự do, thu nhập chưa ổn định thì thực sự không mặn mà với việc trích số tiền ít ỏi kiếm được hằng tháng để đóng BHXH.
Nhiều gia đình ở các làng nghề truyền thống có thu nhập ổn định, nhưng họ chưa hiểu hết quyền lợi nên chưa tham gia BHXH tự nguyện. Ảnh: BS |
Chị Nguyễn Thị Vân, một người buôn bán nhỏ ở chợ Hàng Rượu, phường Trương Quang Trọng (TP. Quảng Ngãi) cho biết, cuộc sống gia đình chị cũng chỉ ở mức trung bình. Mỗi tháng chị bán hàng rau, củ, quả được vài triệu đồng, chỉ đủ trang trải cuộc sống, nên chưa bao giờ nghĩ đến việc đóng bảo hiểm để hưởng lương hưu. “Thời gian qua, tôi có nghe nhiều người nói đến tính ưu việt của việc đóng BHXH tự nguyện, nhưng thời gian đóng dài, người dân tham gia chỉ được hưởng một số quyền lợi nên tôi băn khoăn giữa việc tham gia BHXH tự nguyện hay gửi tiền tiết kiệm”, chị Vân chia sẻ.
Tính đến tháng 4.2016, trên địa bàn tỉnh có 1.330 người tham gia BHXH tự nguyện, hầu hết là những người đã đóng BHXH bắt buộc trước đó tiếp tục đóng để hưởng lương hưu, số đối tượng là lao động tự do tham gia không đáng kể. |
Chị C, buôn bán ở chợ Hàng Rượu thì nghĩ thoáng hơn, nhưng điều kiện kinh tế gia đình lại không cho phép. Chị nói: Tôi cũng muốn đóng BHXH tự nguyện hằng tháng để khi về già có chế độ, nhưng nghe đâu chỉ được hưởng hưu trí và tử tuất, còn các chế độ khác như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - rất cần thiết với NLĐ thì không được hưởng. Đây là lý do khiến chúng tôi chưa thật sự quan tâm và tham gia. Còn chị Liên, chủ tiệm tạp hóa ở xã Tịnh Ấn Tây thì cho rằng, có tiền thì gửi tiết kiệm, chứ đóng BHXH tự nguyện tôi chưa hiểu lắm...
Với khoản thu nhập chưa phải là cao như hiện nay, đa phần lao động tự do chưa dám nghĩ đến việc tham gia BHXH tự nguyện. Nguyên nhân, một số người không tham gia vì mức đóng khá cao so với thu nhập của họ; có người ngại vì thủ tục rườm rà, có người lại không biết đến đâu đăng ký, mức đóng ra sao; quyền lợi như thế nào...
Anh Nguyễn Văn Tuân, một thợ xây ở xã Tịnh Ấn Tây (TP.Quảng Ngãi) trăn trở: Thu nhập của tôi khoảng trên dưới 4 triệu đồng/tháng, nhưng không ổn định nên tôi phải chắt chiu để lo cho gia đình. Nếu đóng BHXH nữa thì chẳng còn gì để tiêu. Người lao động như chúng tôi làm gì có tiền mà đóng. Ngày ngày đi làm thợ hồ kiếm được đồng nào hay đồng ấy. Nhiều lúc cũng nghĩ đến lúc về già sẽ vất vả, nhưng điều kiện nhà mình ăn còn chưa đủ, lấy đâu tiền đóng BHXH”, anh Tuân chia sẻ.
Ông Phạm Văn Lệ - Trưởng Phòng thu BHXH tỉnh cho hay, Luật BHXH có hiệu lực từ ngày 1.1.2016 có một số giải pháp linh hoạt để thu hút lao động tham gia BHXH tự nguyện. Mức đóng của người tham gia BHXH tự nguyện hằng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng và do người dân tự lựa chọn. Và hiện mức thu nhập tháng do người dân tự lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ (hiện tại 700.000 đồng) và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng. Tuy nhiên, trên thực tế thì rất ít NLĐ tham gia BHXH tự nguyện.
BÁ SƠN