(Baoquangngai.vn)- Dự án giảm nghèo khu vực Tây nguyên tỉnh Quảng Ngãi sau hơn 1 năm triển khai tại ba huyện Sơn Tây, Sơn Hà và Ba Tơ, bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân trong vùng dự án. Thông qua việc triển khai hợp phần hỗ trợ sinh kế, dự án đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số từng bước thoát nghèo, vươn lên làm chủ cuộc sống.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Giúp đồng bào thích nghi với cách làm mới
Hơn 1,5 sào lúa vụ hè thu của gia đình bà Đinh Thị Rinh ở thôn Làng Xinh, xã Sơn Linh, Sơn Hà đang lên xanh mơn mởn. Đây là vụ thứ 2 bà Rinh trồng lúa nước theo mô hình thâm canh tăng năng suất lúa do Dự án giảm nghèo khu vực Tây nguyên tỉnh Quảng Ngãi hỗ trợ.
Dự án đã hỗ trợ hàng trăm hộ đồng bào dân tộc thiểu số cách làm mô hình lúa nước đem lại năng suất cao. |
Nhìn những nhánh lúa xanh mang theo kỳ vọng của gia đình, bà Rinh phấn khởi khoe: “Vụ vừa rồi tôi được hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật chăm sóc nên thu về hơn 4 tạ lúa. Mấy năm trước, có cố thế nào cũng chỉ được cỡ 2-2,5 tạ”. Nhờ vậy, mà gia đình bà Rinh thoát khỏi cảnh thiếu ăn khi mùa giáp hạt đến.
Cùng với gia đình bà Rinh, hàng chục hộ dân khác ở xã Sơn Linh cũng được dự án giảm nghèo khu vực Tây nguyên tỉnh hỗ trợ triển khai mô hình trồng lúa lai trên diện tích 10ha. Năng suất lúa đã tăng từ 32 tạ/ha lên gần 58 tạ/ha.
Quan trọng hơn, qua triển khai mô hình, các hộ đồng bào H’re đã từng bước thích nghi với cách làm ăn mới, vươn lên làm chủ cuộc sống. “Cán bộ chỉ cho tôi cách chọn giống tốt, cách làm lúa mới áp dụng những tiến bộ. Nếu sau này không được hỗ trợ nữa, thì tôi vẫn làm theo cách mới này, vì sẽ thu được lúa gạo nhiều hơn”- Bà Đinh Thị Sách ở xã Sơn Linh thật thà chia sẻ.
Mô hình trồng bắp lai giúp nhiều gia đình thoát khỏi cảnh thiếu ăn mùa giáp hạt |
Ngoài việc hỗ trợ trồng lúa lai cho năng suất cao, hợp phần hỗ trợ sinh kế của dự án giảm nghèo khu vực Tây nguyên tỉnh còn giúp các hộ dân ở 3 huyện vùng cao thực hiện mô hình trồng bắp lai, cải tạo vườn hộ, phát triển chăn nuôi gia cầm, trồng chuối, nuôi cá và hỗ trợ nuôi bò lai sinh sản…
Là một trong những hộ dân được dự án hỗ trợ, bà Đinh Thị Cúc ở thôn Canh Mo, xã Sơn Nham, Sơn Hà đã mạnh dạn trông 2 sào bắp theo mô hình mới. “Bắp là cây trồng quen thuộc với bà con mình rồi. Nhưng trồng sao cũng chỉ đạt năng suất khoảng 30ha/tạ thôi. Đến mùa giáp hạt thì không còn bắp ăn nữa. Giờ trồng theo kiểu mới thì năng suất đạt tới 55 tạ/ha. Bà con không còn lo đói nữa”- bà Cúc giải bày.
Tiếp tục hỗ trợ dân nghèo
Được triển khai từ cuối năm 2014, Dự án giảm nghèo khu vực Tây nguyên tỉnh Quảng Ngãi bước đầu mang lại cơ hội sinh kế cho hơn 1.200 hộ gia đình nghèo ở 15 xã thuộc 3 huyện miền núi trong tỉnh là Sơn Tây, Sơn Hà và Ba Tơ.
Năm 2015, dự án đã đầu tư 88 Tiểu dự án sinh kế hỗ trợ người dân trong vùng dự án thoát nghèo với tổng kinh phí đầu tư hơn 10 tỷ đồng. Đến Quý 1/2016 đã có 226 tiểu dự án hỗ trợ sinh kế cho dân. Trong đó, dự án đã hỗ trợ 166 con trâu, bò, hơn 4.400 gia cầm để giúp các hộ nghèo trong vùng dự án phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Trong năm 2015, dự án đã hỗ trợ 166 con bò, trâu cho người dân thuộc 3 huyện Sơn Hà, Sơn Tây và Ba Tơ |
Ông Lê Tấn Hùng, Giám đốc BQLDA Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Việc hỗ trợ hộ nghèo nuôi bò, trâu giúp các hộ này có điều kiện thoát nghèo. Ngoài ra, việc dự án đầu tư giúp người dân áp dụng các mô hình trồng lúa, bắp, cải tạo vườn cũng đang thực hiện rất hiệu quả, giúp đồng bào làm quen với cách làm kinh tế mới, nâng cao năng suất.
Ngoài hợp phần hỗ trợ sinh kế, dự án còn triển khai 30 công trình phát triển hạ tầng cấp cơ sở. Trong đó, 23 công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Đối với hợp phần phát triển hạ tầng kết nối, 3 công trình là nâng cấp, sửa chữa tuyến đường Tập đoàn 3 – ngã 3 Sơn Mùa; Nâng cấp đường liên xã Sơn Ba – xã Sơn Kỳ; Nâng cấp Đường liên xã Ba Trang – Ba Khâm đang được đẩy nhanh tiến độ thi công.
Từ những kết quả đạt được, trong thời gian đến, Dự án giảm nghèo khu vực Tây nguyên tỉnh Quảng Ngãi sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ 4 hợp phần của dự án, nhất là hợp phần hỗ trợ sinh kế cho người dân. Trong đó, đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng cơ bản và các hợp phần truyền thông với tổng kinh phí khoảng 100 tỷ đồng cho 15 xã nghèo trong vùng dự án.
Tuy mới qua hơn 1 năm triển khai, nhưng dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tỉnh Quảng Ngãi đã giúp cho hàng nghìn hộ dân có cơ hội đổi đời với cách làm ăn mới.
Bài, ảnh: Thanh Phương