(Báo Quảng Ngãi)- Chăm lo cho người có công với cách mạng không chỉ thể hiện sự trân trọng, tri ân của Đảng, Nhà nước và xã hội, mà còn là hình thức giáo dục về ý thức trách nhiệm, lòng biết ơn của thế hệ hôm nay đối với những người, những gia đình đã có sự cống hiến, hy sinh cho Tổ quốc.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Thời chiến, họ là những người cầm súng bảo vệ Tổ quốc. Hòa bình, họ lại trở thành những tấm gương tiêu biểu trong lao động, sản xuất và hoạt động xã hội...
Giữ vững phẩm chất người lính Cụ Hồ
Trong không khí sôi nổi, tự hào của những ngày tháng ba lịch sử này, chúng tôi vinh dự được gặp những gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng để được hiểu hơn về những chiến công, những kỷ niệm và cảm xúc về cuộc đời binh nghiệp. Anh hùng LLVTND, trung tá Ngô Thanh Trang, chia sẻ: Tôi quê ở xã Bình Đông (Bình Sơn). 18 tuổi, nối tiếp truyền thống cha anh, truyền thống gia đình, dòng họ, tôi xung phong tham gia cách mạng ở xã và được giao giữ chức Trung đội trưởng du kích xã. Đó là những năm tháng chiến tranh vô cùng gian nan, ác liệt”.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ thăm hỏi gia đình người có công với cách mạng nhân dịp Tết Bính Thân 2016. Ảnh: T.L |
Năm 1965-1966, ông được phân công chiến đấu bám trụ ở vành đai sân bay Chu Lai. Tại đây, trong 2 năm, ông đã tiêu diệt được 100 lính Mỹ. Với những thành tích đặc biệt đó, tháng 6.1965, ông đã vinh dự được kết nạp vào Đảng. Tháng 9.1967, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Ngay trong ngày giải phóng Quảng Ngãi, ông Trang đã cùng đồng đội ở Tiểu đoàn 81 đánh trận Gò Dày (Bình Sơn) trong đêm 23, rạng sáng ngày 24.3 lịch sử.
Câu chuyện chiến đấu của CCB Ngô Thanh Trang không thể đại diện hết cho hàng ngàn tấm gương người có công đã cống hiến xương máu, công sức trong các cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc ta, nhưng là một tấm gương thể hiện lòng yêu nước nồng nàn, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cao đẹp của quân và dân ta. Trở về với đời thường, những người con ưu tú ấy vẫn không ngừng phấn đấu, nỗ lực vượt qua bao khó khăn, đạt nhiều thành tích trong công tác, lao động sản xuất, hoạt động xã hội, góp phần ổn định cuộc sống, làm giàu cho quê hương, đất nước.
Chăm lo bằng cả cái tâm
Những năm qua, hệ thống chính sách đối với người có công của Đảng, Nhà nước đã được bổ sung, hoàn thiện, làm cơ sở cho hoạt động đền ơn đáp nghĩa ngày càng lan tỏa và đi vào chiều sâu. Ông Đinh Xuân Sâm – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh, cho biết: Toàn tỉnh có khoảng 180 ngàn người được xác nhận là người có công với cách mạng. Các phong trào chăm lo người có công luôn mang lại hiệu quả thiết thực, có ý nghĩa chính trị, văn hóa, xã hội rộng lớn, mang tính nhân văn cao cả. Đây là một cố gắng to lớn của các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh”.
Trong 2 năm (2014 -2015), Quảng Ngãi đã tiến hành rà soát 7 nhóm đối tượng, với trên 81.000 người, qua đó, xác định được trên 69.000 đối tượng hưởng đúng chính sách; đồng thời phát hiện gần 12.000 trường hợp hưởng chưa đầy đủ và hưởng sai chế độ. Trên cơ sở kết quả rà soát, tỉnh ta đã tiến hành giải quyết nhanh chóng cho nhiều trường hợp thiếu sót được hưởng đầy đủ những chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Chỉ riêng trong năm 2015, đã giải quyết cho trên 30.172 người hưởng trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, với tổng số tiền chi trả trợ cấp 1 lần trên 97,1 tỷ đồng (lần đầu); tiếp nhận, báo quản lý và giới thiệu di chuyển hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng cho 528 trường hợp... Tổ chức trao tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH cho trên 1.000 mẹ. Các mẹ còn sống đều được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng đến cuối đời... Đến nay đã hoàn thành việc sửa chữa, xây dựng mới nhà ở cho NCC 3.100 nhà.
Theo Sở LĐ-TB&XH, công việc trọng tâm trong năm 2016 là tiếp tục hoàn thiện xây dựng nhà ở cho người có công, thực hiện tốt các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm lo người có công, tổ chức các hoạt động phù hợp với thực tiễn, mang lại hiệu quả thiết thực.
VŨ YẾN