(Baoquangngai.vn)- Nước là nguồn tài nguyên có vai trò đặc biệt trong sự sinh tồn và phát triển của con người. Việt Nam là quốc gia được thiên nhiên ban tặng có hệ thống sông ngòi dày đặc, nhưng nghịch lý lại đang đối diện với nguy cơ cạn kiệt nguồn nước nghiêm trọng.
TIN LIÊN QUAN
Điêu đứng vì thiếu nước ngọt, xâm nhập mặn
Trong một báo cáo khoa học mới đây của Viện nghiên cứu Trái Đất thuộc đại học Columbia, hơn 2 tỷ người trên thế giới sẽ rơi vào tình cảnh không có nước sạch để sử dụng trong tương lai.
Đấy không còn là nguy cơ mà đã và đang báo động ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, tình trạng hán hán, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt rất nan giải đã nhiều năm trở lại đây.
Hai tháng qua, người dân ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ và Nam Trung Bộ nói chung và nhiều tỉnh, thành khác đang điêu đứng, kiệt quệ, vì nguồn nước ngọt cạn kiệt và tình trạng xâm nhập mặn lịch sử, chưa bao giờ lại diễn ra khốc liệt như năm nay.
Vài chục ngàn gia đình đang thiếu nước để sinh hoạt, hàng chục ha lúa, hoa màu cháy khô vì khô hạn, xâm nhập mặn bất thường, cuộc sống, kế sinh nhai của hàng chục ngàn gia đình đang bị đảo lộn bởi thiếu nước.
Nông dân miền Tây đang điêu đứng vì thiếu nước ngọt, xâm nhập mặn. Ảnh: Internet. |
Đợt hạn hán khốc liệt đến nỗi Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát phải thốt lên rằng: “Nghiêm trọng nhất trong 100 năm qua”.
Dù chưa đến mức cạn kiệt như các tỉnh miền Tây Nam Bộ và Nam Trung Bộ, nhưng Quảng Ngãi cũng đang đối diện với khô hạn gay gắt nhất từ trước tới nay. Mới tháng 3, nhiều người dân nông thôn đã lo đào giếng lấy nước sinh hoạt, vét ao tưới tiêu.
Những ngày này, về các xã khu Đông (Bình Sơn), nhiều gia đình đang tập trung công sức, thời gian, kinh phí đào ao, vét giếng, khoan giếng để tìm nước. Tuy nhiên, không ít hộ tốn công sức, tiền bạc, đào và khoan từ 3- 4 nơi vẫn không tìm đủ nguồn nước.
Kéo vạt áo lau mồ hôi ướt đẫm trên mặt, anh Ngô Văn Tin ở thôn 4, xã Bình Hòa than thở: “Mọi năm đến tháng 7 giếng mới cạn, nay qua Tết đã trơ đáy. Vất vả 3 ngày khoang đến nơi thứ 4, ở độ sâu 40 mét mới tìm được mạch nước”.
Nhiều hộ nông dân đang đứng ngồi không yên vì thiếu nước sinh hoạt và lúa đang trong thời kỳ trổ bông chết héo.
Mới đầu mùa khô, không ít gia đình phải lo đào giếng tìm nước sinh hoạt. |
Hàng xóm của anh Tin, gia đình anh Trần Văn Liệu từ sau Tết đến nay đã cắt 4 sào lúa cho bò ăn. Gia đình anh Liệu đã đầu tư 20 triệu đồng thuê người đào cái giếng nhưng chẳng có giọt nước nào, toàn gặp đá bàn. Vợ chồng anh phải dùng xe công nông đi xin nước về sinh hoạt.
Sử dụng nước hợp lý để bảo vệ cuộc sống
Với quốc gia được thiên nhiên ban tặng có hệ thống sông ngòi dày đặc lại đang đối diện với nguy cơ cạn kiệt nguồn nước nghiêm trọng là nghịch lý, nhưng là sự thật.
Với lượng nước mặt bình quân đầu người mỗi năm chỉ đạt 3.840m3, thấp hơn chỉ tiêu là 4.000m3/người/năm, Việt Nam hiện được xếp vào nhóm quốc gia thiếu nước theo đánh giá của Hội tài nguyên nước quốc tế (IWRA).
Do tác động của dân số gia tăng và tăng trưởng kinh tế, nước đang ngày càng bị lạm dụng. Quá trình đô thị hóa, hoạt động nông nghiệp, công nghiệp và biến đổi khí hậu càng ngày càng gây áp lực nặng nề lên khối lượng và chất lượng nguồn nước.
Hãy sử dụng nước tiết kiệm để bảo vệ cuộc sống cho chính mình. |
Chất thải sinh hoạt bị đổ ra sông, hồ và biển, đặc biệt là chất thải công nghiệp không qua xử lý bị trực tiếp đổ vào các nguồn nước, khiến nguồn nước cho sinh hoạt con người bị ô nhiễm nghiêm trọng. Việc khai thác, đốt rừng bừa bãi gây xói mòn đất, làm cho nguồn nước cạn kiệt, hạ thấp mực nước ngầm, nhiễm mặn vùng ven biển, ảnh hưởng tới tầng nước ngọt.
Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam, hàng năm, có khoảng 9.000 người tử vong vì sử dụng nguồn nước ô nhiễm và điều kiện vệ sinh kém, 200.000 người mắc bệnh ung thư, 250.000 người bị mắc bệnh tiêu chảy cấp phải nhập viện.
Một trong những nguyên nhân chính bắt nguồn từ nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm. Tại một số địa phương, các ca nhiễm ung thư, viêm nhiễm ở phụ nữ do sử dụng nguồn nước ô nhiễm chiếm đến gần 40%.
Hệ lụy của thiếu nước ngọt, nước sạch đã, đang và sẽ khủng khiếp nếu chúng ta sử dụng nước bừa bãi, thiếu ý thức tiết kiệm gây lãng phí nguồn nước. Chính vì thế, ngày 22.3 hằng năm được chọn là Ngày Nước sạch thế giới.
Ngày Nước sạch thế giới năm 2016 có chủ đề “Nước và việc làm”, nhằm tập trung vào tuyên truyền vai trò của nước với kế của người dân, kêu gọi các quốc gia quản lý các nguồn nước tốt hơn trên phạm vi quốc gia và toàn cầu. Mỗi người cần có ý thức bảo vệ tài nguyên nước, tiết kiệm và sử dụng hợp lý, đó là cách để bảo vệ cuộc sống của chính mình.
Bài, ảnh: Ái Kiều