(Báo Quảng Ngãi)- Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được xác định là khâu đột phá trong Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 của Chính phủ. Do đó, UBND tỉnh đã có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng CCHC, mà trọng tâm là TTHC trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều mặt hạn chế, bất cập.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Ngay từ khi Chương trình CCHC được Chính phủ triển khai, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thường xuyên rà soát, cập nhật, đơn giản hóa TTHC để trình UBND tỉnh công bố, công bố lại bộ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết, nhằm tạo điều kiện cho tổ chức, công dân biết, thực hiện và giám sát. Trong giai đoạn từ 2013 - 2015, UBND tỉnh đã ban hành, kiện toàn lại nhiều cơ chế, chính sách để đẩy mạnh quản lý hoạt động kiểm soát TTHC trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, thiết lập hệ thống CB, CCVC đầu mối tại các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, thành phố và UBND cấp xã nhằm tăng cường trách nhiệm trong thực hiện cải cách TTHC của các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, từ năm 2012 đến nay, UBND tỉnh đã 3 lần công bố kiện toàn, đổi mới đội ngũ cán bộ đầu mối kiểm soát TTHC. Theo đó, năm 2012 có 220 đầu mối, năm 2013 có 256 đầu mối và năm 2015 có 263 đầu mối.
Lễ khai trương dịch vụ công trực tuyến mức độ 3. Ảnh: T.L |
Công tác kiểm soát TTHC được Sở Tư pháp tích cực tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện. Giai đoạn 2011 - 2015, UBND tỉnh kiểm soát 9 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định về TTHC thuộc các lĩnh vực xây dựng, y tế, GTVT, TNMT. Ngoài ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo 9 sở, ban, ngành tổ chức rà soát, đơn giản hóa 87 TTHC, nhóm TTHC và quy định liên quan đến TTHC. Qua rà soát, phân loại bước đầu cho thấy các quy định về TTHC thuộc một số lĩnh vực hạ tầng, GTVT... đều phù hợp. Đối với lĩnh vực TNMT, xây dựng không còn phù hợp với Luật Đất đai năm 2013 và Luật Xây dựng, Nghị định của Chính phủ đang được sửa đổi, bổ sung. Số TTHC còn lại phần lớn là do Trung ương quy định. Chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt phương án đơn giản hóa để kiến nghị Chính phủ, Bộ Tư pháp xem xét, đơn giản hóa đối với thành phần hồ sơ của 4 TTHC thuộc lĩnh vực bổ trợ Tư pháp.
Quá trình công bố, cập nhật, công khai TTHC được UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo các các sở, ban, ngành, địa phương thường xuyên rà soát, đơn giản hóa TTHC để trình UBND tỉnh công bố lại bộ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức và công dân. Từ năm 2011 - 2015, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành 25 Quyết định công bố TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của 14 sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, UBND cấp xã. Tổng số TTHC công bố có 946 TTHC, trong đó có 655 TTHC mới công bố, 250 TTHC sửa đổi, bổ sung và 41 TTHC công bố bãi bỏ. Hiện nay, số lượng TTHC công khai trên Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh là 1.174 TTHC trong tổng số 1.352 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của 3 cấp (tỉnh, huyện và xã).
Theo báo cáo của UBND tỉnh, đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có 19/22 sở, ban, ngành và 14/14 huyện, thành phố và 169/184 xã, phường, thị trấn thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông, một cửa hiện đại. UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án thực hiện cơ chế một cửa hiện đại của UBND các huyện: Đức Phổ, Mộ Đức, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Sơn Hà, Trà Bồng, TP.Quảng Ngãi và 3 Sở: KH&ĐT, TN&MT, Công thương; trong đó, nhiều cơ quan đã đi vào hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực. Đặc biệt, tháng 9.2015, UBND tỉnh đã khai trương Cổng thông tin điện tử cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 (tại địa chỉ: dichvucong.quangngai.gov.vn). |
Nhận diện hạn chế
Bên cạnh những mặt đạt được trong công tác cải cách TTHC trên địa bàn tỉnh, thì trên thực tế vẫn còn nhiều mặt hạn chế, bất cập. Theo UBND tỉnh, hiện vẫn còn một số sở, ngành và địa phương thuộc các huyện miền núi chưa thực hiện cơ chế một cửa. Nhiều nơi việc niêm yết công khai TTHC, quy trình, hồ sơ, biểu mẫu, thời gian giải quyết, phí và lệ phí tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả chưa được cụ thể, làm cho tổ chức, công dân còn phàn nàn. Ngoài ra, một bộ phận CB, CCVC trên địa bàn tỉnh tinh thần trách nhiệm trong giải quyết công việc chưa cao, làm cho tổ chức và công dân phải đi lại nhiều lần. Trình độ CB, CCVC bố trí tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông, nhất là ở cấp xã còn hạn chế về năng lực và kỹ năng giao tiếp với tổ chức và công dân.
Quy trình giải quyết công việc và mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện áp dụng cơ chế một cửa, một cửa liên thông chưa được thông suốt, nhất là trên các lĩnh vực về đầu tư xây dựng, đất đai... Các ngành, các cấp chỉ thực hiện tốt cơ chế một cửa trên một số lĩnh vực thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành, cấp mình, còn khi giải quyết công việc có liên quan đến một hoặc nhiều cơ quan khác thì sự phối hợp giữa các cơ quan này thiếu đồng bộ, còn gây phiền hà cho tổ chức và công dân.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình tiếp nhận, trả kết quả tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả và các cơ quan chuyên môn còn chưa chặt chẽ về quy trình xử lý, về thiết kế cơ sở dữ liệu, hạ tầng mạng và người sử dụng. Hệ thống phần mềm tin học chưa thể xây dựng đến xã, phường, thị trấn làm cho việc theo dõi xử lý công việc của lãnh đạo UBND các huyện, thành phố đối với cấp dưới chưa thực hiện được.
Trước những hạn chế, bất cập nêu trên trong công tác cải cách TTHC, giai đoạn 2016 - 2020, UBND tỉnh xác định sẽ tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động kiểm soát TTHC; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa TTHC và xem đây là nhiệm vụ thường xuyên định kỳ tháng, quý, năm. Cải cách TTHC phải đảm bảo đơn giản hóa thành phần hồ sơ, quy trình hợp lý, công khai minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tổ chức, công dân. Đặc biệt, nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; tiếp tục xây dựng Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại tại các cơ quan hành chính nhà nước; mở rộng thực hiện cơ chế một cửa liên thông giữa các cấp, các ngành tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Bài, ảnh: NG.TRIỀU