Xử lý rác thải ven biển: Nơi tích cực, chỗ thờ ơ

10:02, 29/02/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Tình trạng ô nhiễm ven biển đã và đang trở thành vấn nạn nhức nhối tại nhiều địa phương. Rác thải thì ở đâu cũng có, nhưng điểm khác biệt là, một số nơi đã chủ động xóa sổ nhiều bãi rác ven biển, trong khi có chỗ mãi vẫn còn ô nhiễm.

 
Tích cực xóa bỏ ô nhiễm
 
Khu du lịch Mỹ Khê những ngày sau Tết, lượng khách đổ về vẫn còn khá đông. Theo quan sát của chúng tôi, tình trạng rác thải vương vãi dọc bờ biển đã không còn. “Mấy ngày Tết du khách đến đây ăn uống rồi kéo theo rác cũng nhiều lắm, nhưng có tổ thu gom rác dọc bờ biển đến thu dọn kịp thời nên dân chúng tôi không còn cảnh mang khẩu trang đi dạo biển nữa!”. Cụ Nguyễn Bườm (80 tuổi) sống gần khu du lịch từ nhiều năm nay vui vẻ nói.
 
Theo lời kể của cụ Bườm, chỉ cách đây 2-3 năm, bờ biển Mỹ Khê vốn là điểm du lịch hút khách trong các dịp lễ, tết, nhưng quan cảnh không hề sạch sẽ. Rác thải từ các hàng quán ven biển và của các du khách đến đây vứt bừa bãi khắp nơi. “Giờ khác rồi, dân sống xung quanh thì yên tâm không lo đến chuyện ô nhiễm rác thải, còn du khách tới đây cũng hài lòng và muốn đến thêm nhiều lần nữa”- cụ Bườm phấn khởi chia sẻ.

 

Khu du lịch Mỹ Khê nhờ được thu gom rác thường xuyên, quan cảnh sạch sẽ nên càng thu hút khách du lịch
Khu du lịch Mỹ Khê nhờ được thu gom rác thường xuyên, quan cảnh sạch sẽ nên càng thu hút khách du lịch.
 
Đến thời điểm hiện tại, các tuyến đường dọc bờ biển, tình trạng rác thải vứt bừa bãi dọc 2 bên đường và ven biển đã không còn. Những hộ kinh doanh ăn uống tại khu vực bãi biển đã cam kết thực hiện vệ sinh môi trường đầy đủ, thu gom rác đúng quy định. UBND thành phố cũng thành lập tổ xử lý môi trường chuyên thu gom rác thải khu vực biển Mỹ Khê. Kinh phí hằng năm cho hoạt động này là gần 200 triệu đồng.
 
Ông Trương Thanh Thảo- Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê, TP. Quảng Ngãi cho biết: Chúng tôi tích cực vận động người dân không xả rác bừa bãi, nhất là các hàng quán kinh doanh ven biển. Bên cạnh đó, cũng ký hợp đồng với công ty môi trường đô thị Quảng Ngãi với khoảng 80% hộ dân tham gia đăng ký thu gom rác tại nhà.
 
Xử lý được tình trạng rác thải- vấn đề nhức nhối của nhiều xã ven biển, cùng với sự tiến bộ vượt bậc ở nhiều lĩnh vực, xã Tịnh Khê đã được công nhận là xã Nông thôn mới.
 
Một địa phương ven biển khác cũng đang thực hiện rất tốt công tác xử lý ô nhiễm ven biển, là xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi). Toàn xã có hơn 2.300 hộ dân, nhưng gần 90% hộ dân đã thực hiện tốt việc thu gom rác trong gia đình.

 

Không chỉ môi trường sống, môi trường biển cũng được các hộ dân xã Tịnh Kỳ chú trọng giữ gìn
Không chỉ môi trường sống, môi trường biển cũng được các hộ dân xã Tịnh Kỳ chú trọng giữ gìn
 
Các hộ dân này không ngại ngần đóng 15 nghìn đồng/tháng cho công ty môi trường và đô thị Quảng Ngãi thực hiện thu gom rác mỗi tuần. “Hầu hết các hộ gia đình đã ý thức được việc bảo vệ môi trường sống cũng như môi trường biển. Tình trạng người dân phải sống trong cảnh hôi thối, ô nhiễm đã được xóa sổ cách đây 5 năm. Trước khi ký hợp đồng với công ty môi trường đô thị, xã đã tự thành lập tổ thu gom rác để khắc phục vấn đề ô nhiễm”- ông Nguyễn Xí – Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Kỳ cho hay.
 
Đến nay, Tịnh Kỳ đã thu gom trên 85% rác thải toàn xã và đang nỗ lực tiến tới thu gom được toàn bộ số rác thải sinh hoạt hằng ngày của các hộ dân.
 
Vẫn còn những điểm đen
 
Cũng là xã ven biển, nhưng nhiều nơi vẫn không thể xóa sổ những điểm đen rác thải, khiến cho tình trạng ô nhiễm diễn ra trong thời gian dài. Đơn cử là xã Nghĩa An vẫn còn nhiều nơi bị ô nhiễm do rác thải sinh hoạt.
 
Toàn xã có trên 4.000 hộ với 21.000 khẩu, nhưng diện tích của xã chỉ có 3km 2. Các tuyến đường liên thôn, xóm trên địa bàn xã rất hẹp, chưa được bê tông hóa nên xe đẩy rác không lưu thông được. Hiện vẫn còn gần 1.000 hộ chưa đăng ký thu gom rác thải.
 
Ông Phạm Anh Tuấn- Phó chủ tịch UBND xã Nghĩa An cho biết: Những hộ này ở bờ biển và ven sông Phú Thọ, đường ra quá nhỏ hẹp xe thu gom ra vào không được. Chính vì vậy, lượng rác thải sinh hoạt hằng ngày của gần 1.000 hộ vẫn đang được vứt ra sông, biển. Tình trạng ô nhiễm ngày càng nặng nề.
 
Riêng dọc sông Phú Thọ trên địa bàn xã với 2.000 hộ sinh sống ven bờ đã bị ô nhiễm nặng bấy lâu nay. Rác thải sinh hoạt ngày nào cũng xuất hiện, nhưng việc xử lý rác thì lại vô cùng bế tắc.

 

Hàng chục nghìn hộ dân ven biển vẫn đang phải chịu cảnh sống chung với rác
Hàng chục nghìn hộ dân ven biển vẫn đang phải chịu cảnh sống chung với rác
 
Ông Trần Văn Nam- ngụ thôn Phổ Trung, xã Nghĩa An đã sông ven sông Phú Thọ hơn 20 năm, than thở: “Giờ có xe thu gom rác rồi mà cũng như không. Các hộ sống ven đường mới thu gom được. Chứ các hộ sống sâu ở bờ sông, biển thì chịu. Cứ vứt bừa ra sông. Rồi lâu ngày rác cứ tụ lại, bốc mùi hôi thối không thở nổi”.
 
Không riêng xã Nghĩa An, mà nhiều xã ven biển khác ở Bình Sơn, Mộ Đức, Đức Phổ… tình trạng ô nhiễm vẫn còn khá phổ biến. Riêng tại xã Bình Châu đã tồn tại nhiều điểm đen rác thải, như tại bờ đắp, cảng Sa Kỳ, thôn Châu Thuận Biển… Đâu đâu cũng dễ dàng thấy rác thải nằm vương vãi. Và hàng chục nghìn hộ dân sống tại các điểm này vẫn phải chịu cảnh sống chung với rác.
 
Việc xử lý rác thải tại các xã ven biển vẫn còn khó khăn là do công tác vận động, tuyên truyền và chế tài xử phạt vẫn chưa nghiêm. Ở nhiều địa phương, việc phát động vệ sinh môi trường chưa đồng bộ nên rác thải chưa được xử lý triệt để.
 
 
Bài, ảnh: Thanh Phương

 


.