Vì sao tín dụng đen vẫn phát triển?

09:12, 21/12/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mặc dù ngày càng có nhiều ngân hàng thương mại có chi nhánh tại Quảng Ngãi và lãi suất cho vay thấp hơn trước nhiều, nhưng tín dụng đen vẫn tồn tại và phát triển. Tại sao?

TIN LIÊN QUAN

Thủ tục nhanh gọn

Thủ tục cho vay đơn giản, chủ yếu dựa vào lòng tin, thậm chí không cần tài sản thế chấp, đặc biệt không bị ràng buộc bởi thủ tục pháp lý. Chính sự đơn giản này đã đẩy cao khả năng được vay vốn và thời gian “nhận được tiền” của khách hàng cũng vì thế mà rút gọn hơn rất nhiều so với các ngân hàng, tổ chức tín dụng chân chính. Và như thế, người nghèo, người có thu nhập thấp, người không tiếp xúc nhiều với hệ thống hành chính nhà nước; thậm chí doanh nghiệp gặp khó khăn cần nguồn vốn để thoát khó ngay lập tức đều là những khách hàng tiềm năng của các tổ chức tín dụng đen.

Những mẫu quảng cáo về tín dụng đen tràn lan khắp nơi.
Những mẫu quảng cáo về tín dụng đen tràn lan khắp nơi.


Dọc theo các tuyến đường trong tỉnh, chúng ta dễ dàng bắt gặp những bảng quảng cáo các gói vay tín dụng tiêu dùng không cần thế chấp xuất hiện khắp nơi. Điều này chứng tỏ sức hút từ sự “linh động” trong việc cho vay của tín dụng đen là điều không thể phủ nhận. Chỉ cần có nhu cầu, bất kỳ ai cũng có thể tiếp cận với các tổ chức này bằng một cuộc gọi. Dù lãi suất phải trả thường cao, đồng thời tiềm ẩn nhiều rủi ro về tài chính, nhưng nhiều khách hàng vẫn quyết định vay bởi lợi ích của họ nhanh chóng được giải quyết, nhất là trong lúc nguy cấp.

Còn đối với ngư dân vùng biển thì tín dụng đen được thực hiện dưới hình thức khác. Đó là các chủ tàu muốn có tiền đóng mới, cải hoán tàu thuyền hay mua ngư lưới cụ đều ít đến ngân hàng mà vay của các đầu nậu. Và thường thì việc vay theo hình thức tín dụng đen của các đầu nậu là không xảy ra rủi ro, nhưng buộc các chủ tàu phải bán hải sản cho họ và thường bị ép giá. Theo các chủ tàu thì khi đi vay đầu nậu đưa tiền mặt trực tiếp, không cần các thủ tục rườm rà mà chỉ mang tính chất là niềm tin với nhau. Hơn nữa, vay ở các chủ nậu thì có thể vay theo nhu cầu. Còn đến vay ở ngân hàng thì phải mất nhiều thời gian, thủ tục rườm rà mà chỉ được giải quyết vay 50% hoặc 70% nhu cầu. Khổ hơn là đợi đến khi vay được thì họ đã trễ phiên biển.

Theo lãnh đạo một số ngân hàng thương mại, việc người vay tìm đến tín dụng đen là do nhiều hộ vay kinh doanh lớn, đầu tư tràn lan, không thu được vốn. Đến kỳ hạn trả lãi cho ngân hàng họ phải vay tín dụng đen để trả, rồi sau đó vay lại để trả tín dụng đen. Tuy nhiên, nguyên nhân này vẫn nằm ở số ít, còn lại chủ yếu là do những đối tượng có lý do vay không rõ ràng và không chứng minh được thu nhập để trả nợ nên ngân hàng không cho vay. Và tất nhiên, khi biết không thể vay được ở ngân hàng thì các đối tượng vay này thường tìm đến tín dụng đen.

Đánh vào tâm lý người dân

Theo khảo sát của phóng viên, ở một vài điểm chơi hụi ở các chợ và khu dân cư thì hầu hết người chơi đều dựa trên tinh thần tin tưởng là chính. Phần lớn các dây hụi “chuyên nghiệp” với mức lãi “đóng 8, 9 ăn 10” thì nguồn vốn thu được thường “chảy” vào các đường dây cho vay nặng lãi với lãi suất 15 – 20%/tháng. Và thực tế cho thấy tình trạng bị vỡ hụi, chủ hụi ôm tiền tỷ bỏ trốn đã diễn ra từ nhiều năm nay.

Có người từ một bà chủ, nhà cửa khang trang, phút chốc biến thành người nghèo khó, nợ nần chồng chất. Thế nhưng, tình trạng chơi biêu, hụi vẫn cứ tồn tại, phát triển vì nó đánh trúng tâm lý của người chơi. Bởi gửi tiền ở ngân hàng chỉ có lãi suất 6%/năm. Trong khi chơi hụi thì lãi cao hơn nhiều lại được trả lãi ngay tức thì, nên nhiều người vẫn mạo hiểm.

Tín dụng đen được xem là sóng ngầm của tội phạm và đã không ít người tan cửa nát nhà, nợ nần chồng chất vì nó. Vì thế người dân cần phải cẩn thận khi vay tín dụng đen; đặc biệt là vay để mua sắm, tiêu dùng vào những tháng cuối năm, không để xảy ra các trường hợp đáng tiếc.

Bài, ảnh: HỒNG HOA

 


.