(Báo Quảng Ngãi)- Biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng diễn biến phức tạp và thể hiện rõ nét tại các địa phương ven biển trên địa bàn tỉnh. Vì thế, việc trồng rừng ngập mặn, xây dựng kè chắn sóng… giúp người dân hạn chế đến mức thấp nhất tác động của BĐKH đang là nhiệm vụ cấp bách đặt ra.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Nỗi lo biển xâm thực
Chỉ trong vòng 4 năm trở lại đây, đường bờ biển kéo dài hơn 2km từ thôn Thạnh Đức 1 đến thôn Thạnh Đức 2 (xã Phổ Thạnh, Đức Phổ) đã bị xâm thực từ 30 – 40m, gây xói lở, sập nhà các hộ dân sống ven bờ. Tình trạng xâm thực trên đã khiến cho 1ha đất thổ cư của người dân bị “xóa sổ”, khoảng 200 ngôi nhà và 6 đoạn đê muối Sa Huỳnh đang bị “đe dọa”.
Xây dựng các tuyến đê kiên cố dọc bờ biển là rất cần thiết nhưng khó thực hiện vì thiếu kinh phí. |
Còn tại xã ven biển Tịnh Kỳ (TP. Quảng Ngãi ), vị trí tiếp giáp giữa phía hữu ngạn sông Bài Ca và cửa biển Sa Kỳ có khoảng 35ha đất nuôi trồng thủy sản, 15ha đất sản xuất nông nghiệp thường xuyên bị ngập do nước biển dâng. Cách mép nước từ 200m - 300m là các khu dân cư đông đúc, sầm uất của thôn Kỳ Xuyên, An Kỳ. Hằng năm, trước mùa mưa bão, xã Tịnh Kỳ phải lập phương án di dời khoảng 500 hộ dân (khoảng 2.300 người) ra khỏi vùng thấp, trũng có nguy cơ mất an toàn. Mỗi khi có mưa bão, phần lớn diện tích ao nuôi trồng thuỷ sản bị ngập do nước biển dâng do chưa có hệ thống đê bảo vệ.
Theo kịch bản BĐKH năm 2012 của Bộ TN&MT, nếu mực nước biển dâng 1m sẽ có khoảng 39% diện tích, 35% dân số vùng đồng bằng sông Cửu Long; trên 10% diện tích, 9% dân số vùng đồng bằng sông Hồng và Quảng Ninh; trên 2,5% diện tích, 9% dân số các tỉnh ven biển miền Trung và khoảng 7% dân số TP. HCM bị ảnh hưởng trực tiếp. |
Cần nhiều giải pháp, nhưng thiếu kinh phí
Để ứng phó với tình trạng nước biển dâng, giải pháp được các địa phương đưa ra là xây dựng các đê kiên cố hóa bờ biển, bờ sông và trồng rừng ngập mặn để tạo "vành đai xanh" ngăn chặn tình trạng xâm thực, xâm mặn. Tuy nhiên, kinh phí vẫn là nỗi lo lớn.
Trong năm 2014 - 2015, tỉnh mới đầu tư xây dựng 250m kè đoạn xung yếu nhất tại thôn Thạch Đức 1, khoảng 1.850m, còn lại chưa thể đầu tư xây dựng vì thiếu kinh phí (cần khoảng 214 tỷ đồng). Trong khi đó, kinh phí để xây dựng hệ thống đê bao nhằm ứng phó với BĐKH, phát triển hạ tầng khu vực xã Tịnh Kỳ cũng ở mức gần 190 tỷ đồng.
Theo ông Phí Quang Hiển - Phó Giám đốc Sở TN&MT, tình hình BĐKH ngày càng diễn biến phức tạp nên việc đầu tư các công trình kè ven sông, ven biển là rất cần thiết. Tuy nhiên, do các công trình trên cần nguồn kinh phí quá lớn, trong khi ngân sách tỉnh còn hạn hẹp nên phải chờ sự hỗ trợ từ các Bộ, ngành Trung ương. Cũng theo ông Hiển, ngoài giải pháp công trình, còn có giải pháp phi công trình ít tốn kém và thân thiện với môi trường hơn, đó là trồng rừng ngập mặn ven biển. Sở TN&MT đã kiến nghị, đề xuất lên Trung ương xin kinh phí tiếp tục đầu tư dự án trồng rừng ngập mặn ven biển xã Bình Thuận và trồng rừng ngập mặn ven biển các xã Bình Phước, Bình Đông, Bình Dương (Bình Sơn) trong giai đoạn 2016 – 2020.
Bài, ảnh: Ý THU