(Báo Quảng Ngãi)- Việc lắp đặt dải phân cách đoạn qua một số trường học dọc tuyến Quốc lộ 1 còn nhiều bất cập, khiến cho học sinh đi lại khó khăn. Có điểm học sinh chọn cách… đi ngược chiều để tiện đến trường. Điều này không chỉ gây mất an toàn giao thông mà còn khiến nhiều phụ huynh, giáo viên lo ngại.
Học sinh đi ngược chiều
Dạo một vòng trên tuyến Quốc lộ 1 vào đầu giờ hoặc lúc tan trường chúng ta dễ dàng bắt gặp cảnh học sinh đi ngược chiều, mặc dù dọc tuyến có rất nhiều biển báo cấm đi ngược chiều. Nguyên nhân là do các dải phân cách lắp đặt trước các điểm trường nằm dọc Quốc lộ 1 không chừa lối đi. Có điểm trường nếu đi chiều thuận các em học sinh phải đi đường vòng thêm hàng trăm mét.
Học sinh đi ngược chiều ở các trường dọc Quốc lộ 1 hiện khá phổ biến. |
Tại Trường THPT số 2 Mộ Đức, tình trạng học sinh đi ngược chiều khá phổ biến. Nhiều học sinh đi ngược chiều thanh minh rằng, biết đi như vậy là vi phạm Luật Giao thông, nhưng do sắp đến giờ vào lớp mà đi đúng quy định thì phải đi đường vòng, nên "bất đắc dĩ" phải vi phạm quy định.
Cùng chung tình trạng trên, khu vực trước cổng Trường THCS Tịnh Phong (Sơn Tịnh), nhiều công nhân, học sinh chen lấn với dòng xe tải, xe khách và làn đường cho xe thô sơ để đi. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân là do trước cổng Trường THCS Tịnh Phong, dải phân cách lắp đặt chưa thật sự hợp lý. Nếu muốn đi đúng quy định thì học sinh phải di chuyển quãng đường khoảng 700m từ trước cổng trường đến cổng Khu công nghiệp Tịnh Phong mới có thể qua đường được. Trong khi, tại nút giao thông nối với Khu công nghiệp này mật độ phương tiện tham gia rất đông do xe tải liên tục chở hàng hóa ra vào nên không an toàn và quá xa nên nhiều học sinh chọn cách đi ngược chiều.
Đứng cách cổng trường khoảng 20m để đón con, chị Lê Thị Thu Ái, bảo ngày trước khi Quốc lộ 1 chưa mở rộng thì không phải đưa đón con đi học. Nhưng từ khi lắp đặt dải phân cách xong là hai vợ chồng phải thay phiên nhau đưa đón cậu con trai lớp 8 đi và về mỗi ngày dù con đã lớn. “Người ta lắp dải phân cách bất cập quá, hôm bữa đi làm về thấy con trai cùng ba bốn bạn chen chân đạp xe ngược chiều rồi băng qua đường mà phía trước hai chiếc xe tải đang lao đến tôi lo lắm. Với lại con trai mới lớn, tính hiếu động nên vợ chồng tôi không an tâm”, chị Ái cho hay.
Cần nghiên cứu, điều chỉnh
Việc lắp đặt giải phân cách thiếu hợp lý không chỉ khiến học sinh, phụ huynh lo lắng mà ngay các thầy cô giáo cũng phập phồng. Theo lãnh đạo Trường THCS Tịnh Phong, hằng năm nhà trường liên tục tổ chức nhiều chương trình tuyên truyền, hướng dẫn học sinh về Luật Giao thông đường bộ cũng như đưa ra các biện pháp răn đe. Tuy nhiên, tình trạng học sinh đi ngược chiều hiện nay nhà trường cũng khó giải quyết.
Thầy Nguyễn Tấn Châu - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Tịnh Phong cho rằng, nút giao thông tại đây cần sớm mở lối đi dân sinh, bởi với tình trạng hiện nay dù chưa xảy ra tai nạn giao thông, nhưng tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất cao bởi đây là đường một chiều.
Theo nhiều tài xế xe tải, mỗi khi chạy xe qua các điểm trường có dải phân cách lắp đặt chưa hợp lý họ rất lo ngại, bởi vào thời điểm tan trường học sinh thường ra cùng lúc cả trăm em và đi ngược chiều nếu không quan sát kỹ rất dễ gây ra tai nạn. “Dù qua các điểm này tốc độ chạy xe không hạn chế nhưng hầu hết tài xế đều cho xe chạy dưới 40km/giờ. Chạy nhanh nhỡ các cháu ùa ra thì không xử lý kịp” – anh Nguyễn Văn Tuấn, lái xe tải nói.
Việc lặp đặt dải phân cách nhằm giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông xảy ra. Tuy nhiên, tại một số điểm, dải phân cách được lắp đặt chưa thật sự hợp lý nên tiềm ẩn nhiều rủi ro về tai nạn giao thông. Do đó, các ngành, đơn vị liên quan cần sớm nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp để dải phân cách phát huy tác dụng.
Bài, ảnh: PV