(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, tình trạng bạo lực gia đình vẫn còn xảy ra ở nhiều địa phương, để lại nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần cho nhiều người, nhất là phụ nữ và trẻ em. Để công tác phòng, chống bạo lực gia đình đạt hiệu quả cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, đưa Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) vào cuộc sống.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Bạo lực gia đình (BLGĐ) là hành vi cố ý gây tổn hại giữa các thành viên trong gia đình với nhau. Theo số liệu thống kê của Bộ VH-TT&DL, trong 4 năm qua, cả nước có 151 nghìn vụ BLGĐ được phát hiện, trong đó có gần 74% nạn nhân là nữ. Mặc dù từ lâu đã có Luật PCBLGĐ, thế nhưng trên thực tế hiểu biết của người dân về luật còn hạn chế.
Trong những năm qua nhiều địa phương trong tỉnh đã quan tâm đến công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc PCBLGĐ. |
Tại Quảng Ngãi, trong những năm qua, kinh tế - xã hội có bước phát triển đáng kể. Tuy nhiên, công tác gia đình và PCBLGĐ trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều thách thức, trở ngại. Tình trạng bạo lực gia đình tuy có giảm, nhưng đã xảy ra nhiều trường hợp bạo lực gia đình nghiêm trọng. Đơn cử như sự việc cháu bé bị cha mẹ nuôi thường xuyên ngược đãi, đánh đập dã man tại xã Hành Trung (Nghĩa Hành); một phụ nữ bị chồng đánh đập, dẫn đến uống thuốc sâu tự vẫn ở xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa); vụ vợ bị chồng đánh đập, nhục mạ đã không kiềm chế bản thân lấy đá đập vào đầu chồng dẫn đến tử vong ở xã Phổ Khánh (Đức Phổ), hay như vụ cha ruột hành hạ con trai, ở thôn Điền Hòa, xã Nghĩa Điền (Tư Nghĩa)…
Năm 2012, toàn tỉnh có 463 vụ bạo lực gia đình được phát hiện, trong đó có 263 vụ bạo lực thân thể, 112 vụ bạo lực tinh thần, 4 vụ bạo lực tình dục và 53 vụ bạo lực kinh tế. Đến năm 2014, toàn tỉnh có 278 vụ bạo lực gia đình, trong đó số vụ bạo lực về thân thể giảm xuống còn 85 vụ. Trong 6 tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh có 182 vụ, trong đó có 82 vụ bạo lực thân thể, 7 vụ bạo lực tinh thần, 15 vụ bạo lực tình dục và 14 vụ bạo lực kinh tế. |
Thực tế cho thấy đối tượng gây bạo lực gia đình chủ yếu là nam giới. Trong số các đối tượng gây BLGĐ có nhiều trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức. Nhiều phụ nữ hằng ngày âm thầm chịu đựng nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần, nhưng không dám lên tiếng vì suy nghĩ "xấu chàng hổ thiếp".
Bà Huỳnh Thị Phương Hoa-Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, thời gian qua để hạn chế tình trạng bạo lực gia đình, Sở đã ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của người dân về PCBLGĐ; triển khai nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững, nhóm PCBLGĐ; mô hình CLB Gia đình văn hoá; triển khai Đề án Tuyên truyền giáo dục, đạo đức, lối sống trong gia đình... Nhờ đó, số vụ BLGĐ có chiều hướng giảm.
Để phòng chống tình trạng BLGĐ có hiệu quả, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền để mỗi người hiểu rằng ai cũng có quyền được bảo vệ; không ai có quyền trấn áp, gây đau thương cho người khác. Ông Hoa Hữu Vân - Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VH-TT&DL) nhận định: "Có nhiều nguyên nhân dẫn đến BLGĐ, nhưng nguyên nhân sâu xa nhất là hạn chế trong nhận thức về bình đẳng. Do đó, để công tác PCBLGĐ đạt hiệu quả cần giáo dục kết hợp với truyền thông để thay đổi nhận thức".
Theo ông Hoa Hữu Vân, để giảm thiểu số vụ BLGĐ thì công tác phòng ngừa là chính. Mọi người phải nhận diện được thế nào là BLGĐ. Kết hợp nhiều chiều, trong đó giáo dục truyền thông chuyển đổi hành vi kết hợp với việc xử lý. Các trưởng thôn có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác PCBLGĐ; đồng thời cần đẩy mạnh hoạt động của các mô hình câu lạc bộ, qua đó giúp mọi người hiểu được giá trị của từng người. “Chính các CLB gia đình phát triển bền vững, nhóm PCBLGĐ là những địa chỉ tin cậy góp phần hạn chế BLGĐ diễn ra và kịp thời giúp đỡ các nạn nhân của BLGĐ trong lúc cần thiết. Trưởng thôn có đầy đủ thẩm quyền để tổ chức họp dân góp ý với người gây ra BLGĐ để hạn chế tối đa số vụ BLGĐ", ông Vân nói.
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG