(Báo Quảng Ngãi)- Về các huyện miền núi Quảng Ngãi hôm nay, ai cũng sẽ nhận ra sự đổi thay rõ rệt, hiển hiện trên từng con đường, nhà cửa, và các công trình phục vụ dân sinh. Có được diện mạo ấy là nhờ sự quan tâm đầu tư có trọng điểm của Đảng và Nhà nước, cùng với nỗ lực của người dân vươn lên trong hành trình xóa nghèo bằng sức mạnh tổng hợp.
Diện mạo khởi sắc
Bằng việc triển khai có hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương khoảng 2.000 tỷ đồng, thực hiện Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a cùng các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo khác trên địa bàn, 6 huyện miền núi của tỉnh đã thực hiện đầu tư đồng bộ trong các lĩnh vực. Sau 5 năm, đã có 254 hạng mục công trình cấp huyện và xã như đường giao thông, trạm y tế, công trình thủy lợi, trường học... được các địa phương đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng trên địa bàn 6 huyện miền núi. Có 262 công trình đường giao thông nông thôn, thủy lợi, nhà văn hóa thôn, phòng học đã hoàn thành từ nguồn vốn Dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn...
Mô hình thanh long ruột đỏ được triển khai tại xã Trà Phú, Trà Bồng. Ảnh: Ý THU |
Không chỉ đầu tư từ ngân sách Nhà nước, tỉnh đã tập trung kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa đối với 6 huyện miền núi trên địa bàn. Thông qua sự hỗ trợ của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, đã có 10.323 hộ nghèo thuộc 6 huyện miền núi được hỗ trợ xây dựng nhà 167. Bên cạnh đó, Tổng Công ty Lương thực Miền Nam đã hỗ trợ cho huyện Trà Bồng 2 công trình trạm y tế xã, 3 công trình trường học và trung tâm dạy nghề, với tổng kinh phí 40 tỷ đồng. Riêng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam cũng trực tiếp tài trợ, hỗ trợ an sinh xã hội cho tỉnh 15 tỷ đồng để thực hiện mục tiêu hỗ trợ về giáo dục, y tế cho khu vực miền núi. Các nguồn đầu tư đã góp phần làm cho diện mạo ở các huyện miền núi thêm khởi sắc.
Phát huy thế mạnh của từng địa phương Thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy, mỗi địa phương đã tự linh hoạt vận dụng, nắm bắt thế mạnh của huyện để lựa chọn hướng đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Với huyện Trà Bồng, nhờ xác định chú trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nghiêng về công nghiệp-xây dựng nên đến nay, tỷ trọng ngành này chiếm đến 44,5% trong cơ cấu kinh tế, đưa Trà Bồng trở thành huyện miền núi có tỷ trọng công nghiệp–xây dựng cao nhất trong 6 huyện miền núi, vượt xa chỉ tiêu Nghị quyết 04 đề ra. Còn các huyện Ba Tơ, Sơn Hà đã dựa vào lợi thế đất rừng để giúp dân thoát nghèo thông qua việc trồng keo, mì và các loại cây nguyên liệu. Huyện Minh Long thì khôi phục cây chè truyền thống, để tăng thu nhập cho bà con, đặc biệt mới đây Minh Long đã đồng ý cho Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển dược liệu Ngọc Linh xây dựng xưởng sơ chế, đóng gói, trồng và bảo tồn cà gai leo tại thôn Tối Lạc Thượng, xã Long Mai. Qua đó sẽ góp phần phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người dân địa phương. |
Tạo sinh kế cho dân thoát nghèo
Các dự án giảm nghèo triển khai trên địa bàn tỉnh đang dần thay đổi phương thức hỗ trợ theo hướng giảm “cứu trợ”, “hỗ trợ trực tiếp” và chuyển dần sang phương pháp tăng cường hỗ trợ người nghèo, cận nghèo, cách tổ chức, quản lý sản xuất để thực hiện hiệu quả hơn các mô hình giảm nghèo. Trong 5 năm trở lại đây, các mô hình theo hình thức đối ứng (Nhà nước hỗ trợ một phần, người dân đóng góp một phần) đã và đang đạt nhiều hiệu quả trong nêu cao tinh thần trách nhiệm của các hộ nghèo, cận nghèo với mô hình được hỗ trợ.
Cũng từ hình thức “vốn đối ứng” người dân có trách nhiệm hơn trong sản xuất. Cắt nghĩa điều này, ông Hồ Văn Thế - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho rằng: Trước đây, nhiều trường hợp nhận được sự hỗ trợ, người dân thường ỷ lại, không duy trì được mô hình. Vì thế, mô hình hỗ trợ theo kiểu đối ứng này, bước đầu đã thành công, làm thay đổi nhận thức cho người dân, giúp người dân có trách nhiệm với sự hỗ trợ của Nhà nước nên càng quyết tâm thoát nghèo.
Bên cạnh đó, việc chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đến với người dân miền núi cũng được đẩy mạnh triển khai. Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình canh tác mía trên đất gò, đồi theo hướng bền vững" tại các huyện Ba Tơ, Minh Long và Sơn Hà là một điển hình. Đến nay, các địa phương đã xây dựng được vùng nguyên liệu mía gần 2.000ha trên đất gò đồi với năng suất đạt 70-90 tấn/ha (năng suất trước đây là 40-50 tấn/ha), tạo sinh kế cho hàng nghìn hộ dân miền núi. Ngoài ra còn có hàng loạt mô hình khuyến nông hướng dẫn người dân miền núi áp dụng mô hình giống lúa lai đạt năng suất cao, chăn nuôi cá nước ngọt, mô hình cơ giới hóa khâu làm đất…
Song song với hỗ trợ phát triển sản xuất, việc đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, dạy nghề và xuất khẩu lao động... cũng được các huyện miền núi đặc biệt quan tâm, nhằm giúp thu nhập của người dân miền núi, tăng dần theo từng năm. Nếu như thu nhập bình quân đầu người ở khu vực miền núi chỉ ở mức 4,8 triệu đồng năm 2010 thì đến năm 2015, con số này đã lên 8,6 triệu đồng. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 22-27%, lao động có việc làm đạt 19-24%. Nhờ những quyết tâm đó, nên tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn 6 huyện miền núi giảm từ 32.690 hộ (năm 2010) còn 16.264 hộ (2015). Bình quân giảm hộ nghèo tại các huyện miền núi là 6,8%/năm, đạt so với chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.
Ý THU - TRƯỜNG AN