(Báo Quảng Ngãi)- Đối thoại, lắng nghe ý kiến của người dân góp ý quá trình tổ chức thực hiện chính sách giảm nghèo; nêu cao trách nhiệm của các cán bộ thực hiện công tác giảm nghèo để các chính sách giảm nghèo nhanh chóng đi vào cuộc sống... là nội dung của Hội thảo Triển khai quy trình và hoàn thiện sổ tay đối thoại chính sách giảm nghèo do Tiểu ban Quản lý Dự án hỗ trợ giảm nghèo PRPP tỉnh Quảng Ngãi tổ chức vào ngày 11.9 vừa qua.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Được thụ hưởng hơn 20 chính sách hỗ trợ giảm nghèo, nhưng tại một số địa phương, việc triển khai thực hiện công tác giảm nghèo vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Mà một trong những nguyên nhân chủ yếu là do người dân vẫn chưa hiểu hết về các chính sách hỗ trợ giảm nghèo để có hướng tiếp cận hiệu quả. Chính vì thế, xác định đối thoại là việc làm cần thiết để thực hiện tốt chính sách giảm nghèo và công cuộc giảm nghèo, trong 2 năm (2013-2014), Tiểu ban Quản lý Dự án hỗ trợ giảm nghèo PRPP đã tổ chức 9 cuộc đối thoại, huy động 450 người tham gia, trong đó có 50% người thuộc hộ nghèo.
Người dân miền núi đề xuất mong muốn được hỗ trợ xây dựng chuồng trại, chủ động nguồn thức ăn để bỏ tập quán chăn nuôi gia súc thả rông. |
Tại 9 cuộc đối thoại, đã có tổng cộng 204 câu hỏi được các bên tham gia đặt ra. Thông qua đối thoại, không chỉ người dân được bày tỏ chính kiến của mình trong công cuộc giảm nghèo, tham gia cùng chính quyền trong tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện, mà còn là cơ hội để các cấp, ngành nắm bắt đầy đủ hơn những tồn tại, vướng mắc trong tổ chức thực hiện chính sách cũng như nguyện vọng của người dân để có biện pháp điều chỉnh, khắc phục và thực hiện tốt hơn.
Tại buổi đối thoại tại huyện Minh Long, người dân có hàng chục ý kiến, kiến nghị và đề xuất về các vấn đề như: Kinh phí hỗ trợ hộ nghèo làm nhà theo Chương trình 167 còn thiếu, dẫn đến nhiều hộ làm nhà xong không có tiền trả nợ; việc cấp cây keo giống chưa đảm bảo chất lượng nên đề nghị để người dân tham gia lựa chọn vườn ươm, nghiệm thu cây trước khi cấp; chế độ hỗ trợ đối với học sinh, sinh viên chưa kịp thời; đề nghị tăng cường mở các lớp tập huấn về chăn nuôi gia súc gia cầm, hướng dẫn cách phòng trừ dịch bệnh, đầu tư các mô hình về khuyến lâm, khuyến nông, khuyến ngư; tiếp tục chương trình hỗ trợ đầu tư máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp…
Tại buổi đối thoại chính sách giảm nghèo tại huyện Tây Trà, Trà Bồng, nhiều hộ dân cho rằng, hiện nay, lãi suất nguồn vốn vay dành cho hộ nghèo vẫn còn cao, nên hộ nghèo rất khó tiếp cận. Đặc biệt, đối với khu vực miền núi, đang rất cần những cán bộ thú y ở cơ sở có trình độ chuyên môn để giúp người dân phòng tốt hơn dịch bệnh gia súc, gia cầm. Người dân Tây Trà cần một địa chỉ cung cấp các mặt hàng vật tư nông nghiệp bởi trên địa bàn huyện hiện vẫn chưa có bất cứ cửa hàng vật tư nông nghiệp nào…
Phần lớn người dân đều có những thắc mắc xoay quanh mục đích tìm hiểu rõ về chính sách và đề nghị đầu tư, nâng mức hỗ trợ. Đặc biệt, người dân tập trung quan tâm nhiều nhất đến các chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ công cụ, phương tiện sản xuất, giống cây trồng vật nuôi, phân bón. Tiếp đến là chính sách hỗ trợ giáo dục, dạy nghề, hỗ trợ tạo việc làm, chính sách hỗ trợ về y tế và hỗ trợ cải thiện nhà ở.
Cũng tại Hội thảo, đại diện lãnh đạo các cấp, ngành liên quan đã được giới thiệu về phương pháp tiếp cận đo lường nghèo theo chuẩn mới giai đoạn 2016-2020 hiện đang được Bộ LĐ-TB&XH dự thảo và trình Chính phủ. Theo đó, không còn đo lường nghèo theo chuẩn thu nhập, phương pháp đo lường mới sẽ đo mức độ thiếu hụt theo 10 chỉ số gồm: Trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; tiếp cận các dịch vụ y tế, bảo hiểm y tế; chất lượng nhà ở, diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt, loại hố xí/nhà tiêu; sử dụng dịch vụ viễn thông và tài sản phục vụ tiếp cận thông tin. Để rồi từ các chỉ số đó, phân loại hộ nghèo, cận nghèo, hộ chưa tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, hộ có mức sống dưới trung bình và có kế hoạch hỗ trợ phù hợp.
Bài, ảnh: Ý THU