(Báo Quảng Ngãi)- Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Trà Bồng đã mở đầu cho giai đoạn cách mạng mới ở vùng đất phía tây Quảng Ngãi và lan rộng ra khắp miền Nam. Phát huy truyền thống hào hùng đó, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân vùng đất quế hôm nay đang ra sức tạo nên diện mạo mới cho quê hương...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Nhờ ơn Đảng…
Những ngày cuối tháng Tám này, khí thế hào hùng của cuộc Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi cách đây 56 năm lại vang vọng trở về trên vùng đất quế. Bởi lẽ, trong tâm tưởng người dân Trà Bồng, ký ức về thời oanh liệt ấy như bản hùng ca bất diệt, là niềm tự hào, động lực để mỗi người dân chung tay xây dựng quê hương giàu, đẹp. Giờ đây, đi trên quê hương của những người con mang họ Bác Hồ, đường sá rộng thênh thang, uốn lượn bên những quả đồi phủ kín một màu xanh biếc của cây keo, mì, rẫy lúa của người dân.
Cơ sở hạ tầng ở huyện miền núi Trà Bồng được đầu tư khang trang. |
Già làng Hồ Văn Nghĩa, ở thôn 2, xã Trà Thủy, không khỏi xúc động, kể: Trong những năm tháng đánh Mỹ, đồng bào Cor đi theo tiếng gọi của Đảng, của Bác Hồ, không sợ hy sinh, gian khổ. Giờ đây, nhờ ơn Đảng, trên mảnh đất này, cuộc sống của bà con ngày càng được cải thiện, cái đói, cái nghèo dần lùi xa. Đường sá bây giờ đi lại sướng lắm, không còn phải băng rừng lội suối nữa. Cây keo, quế làm ra có xe đến tận nơi để thu mua. Con cá, miếng thịt cho bữa ăn hàng ngày cũng không còn thiếu thốn vì cách trở đường xa. Điện thắp sáng cũng đã về đến những vùng xa xôi, núi cao. Con em có trường học đàng hoàng...
Cách đây chừng 10 năm, thị trấn Trà Xuân vẫn còn là vùng đất khá heo hút. Nhưng rồi từ khi con đường một chiều chạy dọc từ đông sang tây thị trấn được mở ra đã giúp phố núi sáng hẳn lên. Đấy cũng là kết quả của việc thực hiện Nghị quyết chuyên đề về xây dựng và phát triển đô thị Trà Xuân, giai đoạn 2012 - 2015 và định hướng đến năm 2020 của Huyện ủy Trà Bồng. Chính con đường này đã mở ra hướng phát triển thương mại - dịch vụ cho thị trấn Trà Xuân và khởi xướng cho quá trình đô thị mới ở vùng cao này.
Các công trình công cộng như Quảng trường mang tên 28.8, Trung tâm văn hóa - thể thao huyện, Bảo tàng Khởi nghĩa Trà Bồng... được chỉnh trang, xây mới đã tô điểm cho sự phát triển mạnh mẽ trên vùng đất quế. Đến cuối năm 2015 này, thị trấn Trà Xuân sẽ cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại V.
Hạ tầng đi trước
Ông Đinh Hồng Danh - Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Trà Bồng, cho biết: Hiện nay, 100% tuyến đường từ trung tâm huyện về các xã và 80% tuyến đường về các thôn đã đi được bằng ô tô. Trong giai đoạn 2011 - 2015, huyện đã đầu tư xây dựng được gần 20km và nâng cấp, cải tạo 60km đường giao thông; có 21 cây cầu lớn nhỏ được xây dựng kiên cố. Tổng nguồn vốn đầu tư cho xây dựng giao thông nông thôn gần 200 tỷ đồng. Về hệ thống kênh mương thủy lợi, trong 5 năm qua đã đầu tư xây dựng được 9 công trình, với kinh phí gần 24 tỷ đồng.
Cùng với đó, huyện Trà Bồng luôn chú trọng đầu tư hoàn thiện hệ thống trường học các cấp. Năm học mới 2015 - 2016, huyện đã chi trên 11 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học. Trong đó, đầu tư 7 tỷ đồng xây dựng cơ sở chính Trường Mẫu giáo Trà Xuân, 1,3 tỷ đồng để thực hiện các hạng mục tại các trường THCS Trà Phú, Tiểu học Trà Phú… Đầu tư trên 3 tỷ đồng để xây dựng công trình Nhà sinh hoạt cộng đồng tổ dân phố 4, thị trấn Trà Xuân…
Theo Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Nguyễn Xuân Bắc, phát triển về hạ tầng là điều kiện tiên quyết để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhờ đó, trong giai đoạn 2010 - 2015, tốc độ tăng trưởng bình quân của huyện đạt xấp xỉ 13,5%/năm. Thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 11 triệu đồng/năm. Tỉ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ trên 56% vào năm 2011 xuống còn gần 33% vào năm 2015.
Bài, ảnh: MINH BẢO