(Báo Quảng Ngãi)- Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nỗi đau mà nó để lại vẫn đang từng ngày, từng giờ ám ảnh những nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) và người thân của họ. Tưởng chừng như gục ngã trước số phận, nhưng nhiều NNCĐDC đã đứng lên bằng niềm tin và nghị lực để có ích cho đời.
Xua đi nỗi đau da cam
Năm 1972, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông Lê Minh Thông, ở thôn Lâm Thượng, xã Đức Phong (Mộ Đức) lên đường nhập ngũ. Tham gia chiến đấu khắp chiến trường phía Nam của tỉnh, rồi đến thực hiện nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Ông nhiều lần bị thương, thế nhưng nỗi đau thể xác ấy không làm ông đau đớn bằng nỗi đau của chiến tranh mà con trai của ông đang phải gánh chịu.
Anh Lê Minh Phong đang chăm sóc cây ăn quả. |
Ông Thông kể, vợ ông cũng là người đồng cam, cộng khổ cùng ông trong kháng chiến. Cả hai đều bị ảnh hưởng chất độc hóa học do quân đội Mỹ rải xuống. Khi đứa con đầu là Lê Minh Phong vừa chào đời, chưa kịp mừng thì vợ chồng ông đã đau đớn tột cùng khi ẵm trên tay đứa con bị mất một tay, một chân. Những tưởng sẽ đầu hàng số phận, nhưng suốt 38 năm qua anh Phong đã không ngừng nỗ lực để xua đi nỗi đau. Nghĩ cuộc đời mình tàn tật, nhưng không thể bại ý chí, học hết cấp 3 Phong đã khăn gói vào Nam bán vé số.
Sau gần 10 năm mưu sinh nơi đất khách, Phong về quê nuôi tôm. Phong vật lộn với nắng mưa, vất vả, anh luôn có mặt ở hồ tôm. “Không có tiền mướn nhân công, nên tự mình phải lo tất cả. Khổ nhất là những lúc trời mưa, đêm hôm phải ngụp lặn dưới hồ, tay chân tóe máu. Nhiều khi không đủ sức lên bờ, tôi ngã quỵ dưới hồ tôm”, anh Phong kể. Một người con gái đã cảm thông với hoàn cảnh của anh và chấp nhận lấy anh làm chồng. Đáng mừng hơn là các con của vợ chồng anh Phong lần lượt ra đời khỏe mạnh, lành lặn. Bằng chính nghị lực và niềm tin trong cuộc sống, anh Phong đã xua đi nỗi đau da cam. Giờ đây vợ chồng anh đang từng ngày cố gắng để nuôi nấng các con lớn khôn, ăn học thành tài.
Quảng Ngãi là một trong những địa phương chịu hậu quả nặng nề bởi chất độc hóa học do quân đội Mỹ phun rải. Toàn tỉnh có khoảng 23 nghìn NNCĐDC. Thế hệ thứ nhất truyền nhiễm khiến các thế hệ thứ 2, thứ 3 bị dị tật, dị dạng. Có gần 2.500 NNCĐDC thuộc thế hệ con thứ 3; trên 1.200 gia đình có từ 3 NNCĐDC trở lên. Phần lớn gia đình NNCĐDC có hoàn cảnh khó khăn. Thế nhưng hiện chỉ mới có hơn 5.000 người được hưởng chế độ. |
Nghiệt ngã những phận đời...
Chiến tranh đã để lại nỗi đau hằn sâu trong cuộc sống của nhiều người, qua nhiều thế hệ. Do ảnh hưởng chất độc da cam anh Huỳnh Thắng (40 tuổi) ở thôn Năng Tây 3, xã Nghĩa Phương (Tư Nghĩa) từ lúc mới sinh ra chân tay bị co quắp, không đi lại được, nói năng cũng rất khó khăn. Để không là gánh nặng cho gia đình và xã hội, anh Thắng đã chắt chiu dành dụm và vay mượn tiền để mở cửa hàng tạp hóa nhỏ ven đường. Cảm thương hoàn cảnh của anh, nhiều người đến mua hàng. “Cuộc sống của mình cũng đã ổn định hơn. Nếu không cố gắng sẽ lụi tàn theo nỗi đau da cam”, anh Thắng chia sẻ.
Đau đớn nào bằng khi đứa con sinh ra bị dị tật bởi chất độc da cam. Nỗi đau không thể diễn tả bằng lời. Chúng tôi không cầm được lòng mình khi chứng kiến những số phận bất hạnh khi mang trên mình dị dạng, nhiều em bé khóc, cười một cách vô thức... Chúng tôi ghé thăm gia đình bà Phùng Thị Tuyết, ở thôn Phước Toàn, xã Đức Hòa (Mộ Đức) khi trời đã về chiều, đang lúc bà Tuyết lau rửa cho đứa con út là Trần Minh Sơn. Sơn là NNCĐDC thuộc thế hệ thứ 3. Trên khuôn mặt hốc hác, bà Tuyết dường như không còn nước mắt để khóc cho đứa con tật nguyền.
“Hoàn cảnh của nhà chúng tôi cô cũng thấy đó. Sinh được bốn đứa con, đã vất vả nuôi 3 đứa ăn học đại học, cao đẳng còn mỗi thằng con út đến nay đã gần 20 năm nằm liệt một chỗ. Mọi sinh hoạt, ăn uống đều do vợ chồng tôi cáng đáng”, bà Tuyết nghẹn ngào. Để có tiền nuôi con ăn học, vợ chồng bà Tuyết suốt ngày lam lũ. Họ đã có khoảng thu nhập ổn định nhờ trồng nấm rơm. Dẫu thế, tận trong sâu thẳm của trái tim, vợ chồng bà vẫn luôn cảm thấy nhói đau, một nỗi đau đeo bám suốt cuộc đời.
Đến thăm những gia đình NNCĐDC vượt qua số phận nghiệt ngã của cuộc đời, chúng tôi như cảm thấy vui lây. Thế nhưng trong sâu thẳm vẫn cứ thấy lòng nặng trĩu, bởi nỗi đau do chất độc da cam gây ra là quá lớn.
Bài, ảnh: KN