(Báo Quảng Ngãi)- Báo Quảng Ngãi số 3863, ngày 17.6.2015 đăng bài “Nỗi lo từ nhà máy rác 30 tỷ trên đảo” phản ánh khả năng mang lại hiệu quả từ Nhà máy xử lý rác thải Lý Sơn là rất thấp. Và nay, điều dự báo đó đã thành hiện thực sau hơn 10 ngày nhà máy chính thức đi vào hoạt động, gây bức xúc trong dư luận, còn chính quyền địa phương thì lúng túng trong việc quản lý, vận hành.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở huyện Lý Sơn là dự án thí điểm được Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng, xây dựng trên diện tích 2ha. Dự án khởi công cuối năm 2013 và chính thức đưa vào hoạt động ngày 22.6.2015. Việc đưa nhà máy vào vận hành được chính quyền, nhân dân trên đảo Lý Sơn kỳ vọng rất lớn là sẽ khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường trên đảo do rác thải sinh hoạt của người dân chưa được xử lý. Nhưng rồi, điều mà người dân mong ước đó vẫn không được trọn vẹn.
Mỗi ngày chỉ đốt được 1,5 tấn rác nhưng có đến 15 công nhân làm nhiệm vụ phân loại rác vì làm bằng dụng cụ thủ công. |
Có mặt tại nhà máy sau hơn 10 ngày đưa vào vận hành, chúng tôi khá bất ngờ trước phương thức xử lý của một cơ sở có giá trị đầu tư hàng chục tỷ đồng. Tại khu vực phân loại rác, nhiều công nhân cặm cụi làm việc với các thiết bị thô sơ, như bồ cào, xẻng và vài chiếc xe đẩy, thậm chí là dùng cả tay để phân loại từng loại rác rồi đưa vào lò đốt. Cả khu vực này đã bốc mùi hôi thối, ruồi nhặng bay đầy, khiến bầu không khí trở nên ngột ngạt. Phía bên trong là lò đốt với ống khói vươn cao ngút lên trời, nhưng tiết diện bán kính nhỏ làm ảnh hưởng đến khả năng đốt của lò.
Khu phân loại rác và lò đốt ở chung một phía bên phải cổng nhà máy. Còn các hạng mục khác như các hố bùn chứa rác hữu cơ xử lý làm phân bón thì vẫn còn mới, chưa sử dụng. Phía sau lò đốt có 2 hồ lớn đã lót bạt chống thấm để chứa tro. Hiện tại có 15 công nhân đang làm việc tại nhà máy.
Anh Võ Phương Thạnh - Đội phó quản lý khu xử lý rác cho rằng, việc phân loại rác bằng thủ công mất rất nhiều thời gian. Công nhân lại làm việc nặng nhọc và trong môi trường hôi thối nên chắc chắn về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ. Cũng theo anh Thạnh, mỗi ngày, lượng rác thải sinh hoạt được thu gom đưa về nhà máy khoảng 10 tấn, trong khi mỗi ngày lò chỉ đốt được khoảng 1,5 tấn. Do vậy, lượng rác thải dư thừa trong khu vực nhà máy mỗi ngày một lớn. “Trước mắt, để xử lý lượng rác thải ứ đọng quá lớn tại nhà máy, chúng tôi phải đưa rác trở lại bãi xử lý rác thải trước đây ngoài bờ biển (cách nhà máy hơn cây số để đốt), nên chắc chắn cũng sẽ ảnh hưởng đến môi trường”, anh Thạnh lo lắng.
Theo dự án, Nhà máy xử lý rác thải rắn Lý Sơn có công suất xử lý 15 tấn rác/ngày, sử dụng công nghệ đốt, ủ mùn và chôn lấp. Mục đích của dự án là giải quyết đáng kể công tác thu gom, xử lý rác thải, cung cấp nguồn phân vi sinh cho sản xuất nông nghiệp, cải thiện điều kiện vệ sinh, bảo vệ sức khỏe cho người dân, phục vụ du lịch...
Tuy nhiên, sự bất cập của nhà máy này còn thể hiện ở chỗ, theo công suất thiết kế thì nhà máy sẽ xử lý rác cho toàn huyện. Song, hiện tại chỉ mới thu gom tại xã An Vĩnh nhưng khối lượng rác đã lên tới 10 tấn/ngày, khối lượng đốt chỉ có 1,5 tấn/công suất thiết kế 15 tấn/ngày. Do đó, nếu mở rộng phạm vi thu gom trên toàn huyện thì có thể biến nhà máy này thành bãi chứa rác thải sinh hoạt.
Bà Phạm Thị Hương – Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết: Vấn đề rác thải sinh hoạt của người dân trên đảo Lý Sơn trong thời gian qua là vô cùng bức bách, nên việc đầu tư Nhà máy xử lý rác thải rắn cho Lý Sơn là điều rất vui. Tuy nhiên, khi nhà máy đưa vào hoạt động thì không đáp ứng được kỳ vọng của người dân, do hiệu quả hoạt động thấp. Hiện nay, huyện đã có văn bản kiến nghị đầu tư thêm lò đốt công suất lớn hơn, bổ sung hạng mục dây chuyền phân loại rác hiện đại hơn, xe ép rác chuyên dụng, nhằm khắc phục tình trạng hoạt động thủ công như thời gian qua. Có như thế mới có thể xử lý hết nguồn rác thải rắn sinh hoạt của người dân trên đảo, góp phần xây dựng huyện đảo Lý Sơn xanh-sạch- đẹp, thân thiện trong lòng du khách đến tham quan, du lịch.
Bài, ảnh X.THIÊN