(Báo Quảng Ngãi)- “Làm công tác dân số đòi hỏi phải nhiệt tình, tâm huyết thì mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ”, đó là lời tâm sự của chị Trần Thị Năm (51 tuổi, cán bộ chuyên trách dân số xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa). Chị Năm đã góp phần không nhỏ giúp công tác dân số ở xã Nghĩa Hòa ngày càng ổn định.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Chị Năm cho biết, chị đã gắn bó với công tác dân số gần 10 năm nay. Từ ngày đầu còn e ngại, giờ chị đã có thể nói rành mạch hàng tiếng đồng hồ về chuyện DS/KHHGĐ. “Khi vận động đi đình sản, tôi mô tả với họ tỉ mỉ việc thắt ống dẫn trứng là thế nào, kỹ thuật bây giờ tiến bộ, khác với cách làm ngày trước ra sao. Tôi đã dẫn chứng những trường hợp thực hiện đình sản nhưng vẫn sống khỏe mạnh, hạnh phúc… Khi nghe giải thích cặn kẽ nhiều người yên tâm thực hiện”, chị Năm tâm sự.
Chị Năm (bên phải) vận động người dân thực hiện chính sách DS/KHHGĐ. |
Làm công tác dân số không phải lúc nào cũng “thuận buồm, xuôi gió”. Nhiều lúc chị Năm phải lui tới “năm lần, bảy lượt” mới gặp được đối tượng. Để được việc, chị đích thân bỏ tiền túi chi phí cho việc thăm hỏi, đưa đối tượng đi đình sản. Chị Năm kể, có chị được chở đến nơi nhưng sợ quá nên tự ý bỏ về. Không ít trường hợp cả hai vợ chồng đồng ý đình sản, nhưng đến ngày thực hiện bị cha mẹ hai bên phát hiện, ngăn cấm. Vậy là bao nỗi buồn bực, phiền muộn đều “trút” lên người đi vận động. Không nản lòng, sau những lần ấy, chị Năm kiên trì tư vấn, giải thích để đối tượng tự nguyện đình sản thành công. Chị Năm cười hiền nói: “Chính những trường hợp vận động khó khăn, đến khi thành công lại trở thành nguồn động viên, khiến mình thêm hăng say với công việc”.
Theo kinh nghiệm của chị Năm, với những đối tượng sinh con một bề và đối tượng đã có đủ hai con phải khéo léo khi vận động, cung cấp thông tin để đối tượng hiểu rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của người làm cha, làm mẹ đối với con cái; tuyên truyền, tư vấn để họ lựa chọn cho mình biện pháp tránh thai phù hợp. Đối với những trường hợp khó tuyên truyền thì chị phối hợp với trưởng thôn hoặc cán bộ nông dân tại địa bàn.
Toàn xã Nghĩa Hòa có hơn 13 nghìn người. Trong đó có gần 1.700 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Trước đây, nhiều người dân có tư tưởng sinh nhiều con, “khát” con trai khiến cho công tác dân số ở địa phương gặp khó khăn. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở xã Nghĩa Hòa có thời điểm chiếm trên 20%. Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể và sự nỗ lực không mệt mỏi của cán bộ chuyên trách dân số Trần Thị Năm, công tác DS/KHHGĐ ở xã Nghĩa Hòa có nhiều chuyển biến tích cực.
Với phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng", chị Năm đã không quản ngại vất vả để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra, nhằm góp phần ổn định công tác dân số ở địa phương. Chị luôn học hỏi, áp dụng những kiến thức, kỹ năng mới vào công việc; thường xuyên tham mưu với cấp ủy đảng, chính quyền để có sự quan tâm chỉ đạo. Chị đã chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể địa phương, nhất là hội nông dân, phụ nữ, do vậy công tác DS/KHHGĐ được các đoàn thể xem như một trong những hoạt động trọng tâm. Đối với đội ngũ cộng tác viên, chị thường xuyên gặp gỡ, giúp đỡ trong công tác vận động, tuyên truyền và cập nhật sổ sách để kịp thời điều chỉnh sai lệch. Nhờ vậy, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở xã Nghĩa Hòa đến nay giảm còn 8%. Tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên giảm còn 0,7%.
“Chị Năm là người năng nổ, có trách nhiệm trong công việc. Chị luôn làm tốt vai trò cán bộ chuyên trách dân số, nhờ đó đã góp phần tích cực giúp xã hoàn thành tốt các chỉ tiêu về dân số. Chị nhiều lần được Sở Y tế khen về thành tích xuất sắc trong công tác DS-KHHGĐ”, ông Huỳnh Văn Dũng-Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hòa nhận xét.
Bài, ảnh: TRÍ PHONG