(Báo Quảng Ngãi)- Những ngày qua, hơn 100 hộ dân nằm trong vùng lòng hồ thuỷ điện Hà Nang phải di dời (ở xã Trà Thủy, Trà Bồng) hân hoan đón dòng điện sáng đầu tiên sau hơn 5 năm vào khu tái định cư. Nghĩa là, lời hứa của các cấp chính quyền nay đã thành hiện thực.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Không giấu được niềm vui của mình, ông Hồ Ngọc Khánh hồ hởi, nói: “Trước đây, dân ở vùng TĐC khó khăn lắm, đất sản xuất, điện, đường đều không có, còn nay thì đã gần có hết rồi. Dân làng ai cũng vui hết. Nhờ có điện, nhiều gia đình đã mua sắm nhiều vật dụng trong gia đình.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Thị Loan (bên phải) và lãnh đạo huyện Trà Bồng thăm hỏi việc học tập của con em vùng tái định cư thuộc dự án thủy điện Hà Nang. |
Tết đến gần, nhà nào cũng rộn ràng chuẩn bị Tết”. Đối với gia đình anh Hồ Văn Tre thì có điện cũng đồng nghĩa với con cái của vợ chồng anh được thấy ánh sáng và niềm tin vào tương lai khi việc học được duy trì. “Mình không biết nhiều chữ, nhưng mình luôn mong muốn con cái được đến trường. Trước đây, học sinh bỏ học nhiều lắm vì nghèo khó, vì thiếu sự quan tâm của cha mẹ nhưng gia đình mình thì khác. Chỉ có chữ mới giúp thoát được nghèo, có hiểu biết. Có điện rồi, mình sẽ nhắc nhở con cái học bài thường xuyên hơn”, anh Tre chia sẻ. Đây là cái Tết đầu tiên người dân được sử dụng điện sau bao nhiêu năm vào khu TĐC. Bởi vậy niềm vui của người lớn, con trẻ ở đây như vỡ òa khi đêm xuống, dòng điện chiếu sáng cả một vùng, giúp cho việc sinh hoạt, đi lại và học tập của con em được thuận lợi.
Dự án thủy điện Hà Nang được triển khai xây dựng vào năm 2008 trên địa bàn thôn 1 và thôn 4 xã Trà Thủy với trên 130 hộ thuộc diện TĐC. Tuy nhiên, kể từ khi vào khu TĐC, người dân rơi vào tình trạng khó khăn vì không có đất sản xuất, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm trên 80%. Chính điều này đã gây nhiều bức xúc trong nhân dân.
Đồng chí Nguyễn Xuân Bắc - Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng cho biết: Bức xúc của người dân khu TĐC thuộc dự án thủy điện Hà Nang cũng là trăn trở của lãnh đạo huyện. Vì thế, huyện xác định phải ưu tiên cho nhân dân sớm ổn định cuộc sống. Vì thế trong năm 2014, từ nguồn vốn hỗ trợ huyện nghèo theo Nghị quyết 30a và nguồn vốn chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng giáp Tây Nguyên, huyện đã xây dựng công trình thủy lợi Nước Dut tại thôn 4, với kinh phí 2,6 tỷ đồng nhằm đảm bảo nguồn nước tưới cho 4ha lúa 2 vụ. Công trình đã nghiệm thu và đưa vào sử dụng từ tháng 6.2014. Đồng thời, hệ thống điện thắp sáng, đường vào khu TĐC cũng được triển khai và Tết này người dân khu TĐC có điện lưới quốc gia. Không chỉ vậy, đất sản xuất cho nhân dân cũng được huyện xin tỉnh chuyển đổi 256,567 ha diện tích rừng phòng hộ để cấp cho dân sản xuất.
Song song với việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, huyện đã xây dựng phương án sử dụng đất đối với diện tích rừng được chuyển đổi mục đích sử dụng tại thôn 1 và thôn 4. Trong đó, có 12,918ha sử dụng vào mục đích mở đường vào khu sản xuất và 243,649ha chuyển sang mục đích khác để phân bổ và giao đất cho nhân dân vùng dự án sử dụng vào việc phát triển sản xuất và mục đích khác. Huyện sẽ nỗ lực để trong năm 2015, người dân vùng TĐC có đất sản xuất, từng bước phát triển kinh tế gia đình.
Tuy không phải là mùa xuân đầu tiên vào nơi ở mới, nhưng với hầu hết người dân vùng tái định cư này, mùa xuân năm nay thật sự có ý nghĩa và đầy tự hào hơn khi chính họ đã có công đóng góp cho dòng điện quốc gia. Họ cũng hy vọng sẽ nhận được sự quan tâm hơn nữa của Đảng, Nhà nước và các cấp lãnh đạo để cuộc sống của bà con vùng TĐC được ổn định, ấm no.
Bài, ảnh: PV