(Báo Quảng Ngãi)- Nhìn chung, ý thức về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) của người sản xuất, chế biến thực phẩm ngày càng nâng cao. Tuy nhiên, cũng có không ít cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng ăn uống lơ là về vấn đề này. Thêm vào đó là sự “dễ dãi” của người tiêu dùng, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của bản thân và cộng đồng.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Người bán lơ là, khách hàng dễ dãi
Dạo quanh một vòng trên các tuyến đường của TP.Quảng Ngãi, có thể bắt gặp không ít những quán ăn vỉa hè không bảo đảm vệ sinh thực phẩm. Để tiết kiệm chi phí thuê mướn mặt bằng, nhiều chủ cửa hàng chỉ dựng lên vài tấm bạt che cùng vài chiếc bàn ngay trên lề đường để buôn bán.
Các quầy hàng ở gần các trường học thường bán nhiều loại bánh kẹo không rõ nguồn gốc. |
Bên cạnh ý thức của người kinh doanh còn hạn chế thì không ít người tiêu dùng cũng tỏ ra “dễ dãi”, chưa thực sự quan tâm đến việc lựa chọn, sử dụng thực phẩm sao cho an toàn để bảo vệ sức khỏe của chính mình và người thân. Nhiều người vẫn cứ thản nhiên ăn uống dù ngồi ngay sát đường đầy khói bụi, rác thải, ống cống… Vì là quán ăn vỉa hè nên việc sử dụng nước để rửa chén, bát, ly… rất “khiêm tốn”. Các chủ hàng quán tráng qua loa trong một xô nước rồi lại tiếp tục được dùng đựng thức ăn cho khách. Một xô nước, được dùng để rửa hàng trăm cái bát, không đảm bảo vệ sinh. Nhiều người kinh doanh còn đổ nước thải xuống đường ngay tại nơi buôn bán. Dưới chân bàn, ghế, giấy ăn, rác vứt bừa bãi...
Những gánh, xe hàng rong quanh cổng trường với đủ loại bánh kẹo, nước uống với hình dáng và màu sắc bắt mắt là hình ảnh quen thuộc trong nhiều năm qua. Bên cạnh các loại bánh kẹo có thương hiệu, có rất nhiều loại không nhãn mác và hạn sử dụng. Các loại thức ăn nhanh như cá viên chiên, xúc xích nướng, bánh rán... cùng các đồ uống như trà sữa trân châu, nước ngọt các loại... được các chủ hàng chế biến ngay trên vỉa hè để bán cho học sinh. Về chất lượng ATVSTP của các mặt hàng nói trên thì không ai dám đảm bảo. Tuy được các cơ quan chức năng tuyên truyền dưới nhiều hình thức, nhưng vẫn có rất nhiều hàng quán như trên tồn tại ở khắp các ngả đường trên địa bàn thành phố và lại được rất đông thực khách ưa chuộng.
Thờ ơ trước quy định của pháp luật
Từ ngày 20.1.2013, Thông tư 30/2012/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về điều kiện ATTP đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết những người kinh doanh thức ăn đường phố vẫn thờ ơ, mơ hồ với thông tư này. Thậm chí, nhiều người chưa biết đến những quy định mới như: Phải có giấy chứng nhận sức khỏe, quầy hàng phải để xa cống rãnh và địa điểm ô nhiễm; có phương tiện bảo quản, che chắn thức ăn, chống bụi, côn trùng; người bán hàng phải sử dụng găng tay nylon dùng một lần để bốc thức ăn hoặc dụng cụ gắp thức ăn; nguyên liệu, phụ gia thực phẩm phải có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng... Bên cạnh đó, Nghị định số 178/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP có hiệu lực từ ngày 31.12.2013 với mức xử phạt có thể lên tới hàng trăm triệu đồng nếu sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn… Thế nhưng không ít chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vẫn chưa ý thức được rằng ngoài mức xử phạt cao nếu vi phạm thì quan trọng hơn chính là sức khỏe, thậm chí có thể gây nguy hiểm tới tính mạng con người.
Theo số liệu của Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, trong năm 2014 toàn tỉnh có trên 4.000 cơ sở kinh doanh vi phạm ATVSTP, trong đó có 163 cơ sở bị phạt cảnh cáo, 192 cơ sở bị phạt tiền. Thiết nghĩ, để đảm bảo ATVSTP cần có sự kiểm tra, giám sát, tuyên truyền, hướng dẫn thường xuyên của cơ quan quản lý nhà nước đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Đồng thời, chủ các cơ sở không nên vì lợi nhuận hoặc thiếu hiểu biết về kiến thức mà phớt lờ việc bảo đảm VSATTP. Và trên hết, người tiêu dùng cần phải ý thức hơn nữa trong việc tiêu thụ thực phẩm một cách thông minh để bảo vệ sức khỏe của cá nhân, gia đình và cộng đồng.
Bài, ảnh: Vũ Yến