(Báo Quảng Ngãi)- Tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XIII đã ra Nghị quyết thông qua Đề án phân loại khu vực thị trấn Đức Phổ mở rộng đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV và Đề án phân loại đô thị Vạn Tường đạt tiêu chuẩn đô thị loại V. Đây là cơ sở để tỉnh và các địa phương tiếp tục đầu tư xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí để hai đô thị này trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, thương mại, dịch vụ... và là động lực mới cho sự phát triển ở khu vực phía nam và đông bắc tỉnh Quảng Ngãi.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Vị thế của đô thị Vạn Tường
Đô thị Vạn Tường được xác định là đô thị - công nghiệp - dịch vụ của vùng kinh tế trọng điểm Dung Quất, là trung tâm dịch vụ, tài chính, thương mại và du lịch vùng đông bắc tỉnh Quảng Ngãi. Là động lực góp phần thúc đẩy sự phát triển của Khu Kinh tế Dung Quất trong hiện tại và tương lai.
Trung tâm đô thị Vạn Tường. Ảnh: Đăng Lâm |
Nét độc đáo của đô thị Vạn Tường là nằm trong KKT Dung Quất. Theo các nhà quy hoạch, phát triển đô thị Vạn Tường là xu thế tất yếu khách quan, phù hợp với quá trình phát triển của KKT Dung Quất.
Từ kết quả mỹ mãn về xây dựng các khu liên hợp đô thị - công nghiệp - dịch vụ của VSIP ở Bình Dương 1 và Bình Dương 2 của tỉnh Bình Dương sẽ cho chúng ta những bài học kinh nghiệm trong đầu tư xây dựng khu đô thị theo chuỗi liên hợp này. Trong đó, việc tạo dựng cảnh quan, xử lý chất thải công nghiệp, bảo vệ môi trường... để khu đô thị “sống được” giữa lòng khu công nghiệp là vấn đề cần đặc biệt lưu tâm.
Khu vực nghiên cứu lập đề án công nhận đô thị Vạn Tường đạt loại V có diện tích trên 3,8 nghìn ha, nằm trong ranh giới của 5 xã là Bình Trị, Bình Hải, Bình Hòa, Bình Phú và Bình Phước thuộc huyện Bình Sơn. Khu vực xác định lựa chọn chấm điểm, so sánh với các tiêu chuẩn của đô thị loại V là khu vực xây dựng tập trung có diện tích khoảng 650ha, bao gồm một phần diện tích của xã Bình Hải và Bình Trị.
Đến thời điểm này, 6 tiêu chuẩn về chức năng đô thị; quy mô dân số, mật độ dân số; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp; hệ thống công trình hạ tầng; kiến trúc, cảnh quan đô thị của Vạn Tường đạt tổng số 78,5/100 điểm.
Như vậy, để Vạn Tường xứng tầm là khu đô thị - công nghiệp - dịch vụ của vùng kinh tế trọng điểm Dung Quất và là trung tâm dịch vụ - thương mại- du lịch vùng đông bắc của tỉnh, thì còn nhiều việc phải làm. Trong đó việc tiếp tục đầu tư xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí trong điều kiện đất nước và tỉnh còn khó khăn, đầu tư công thắt chặt... đặt ra những thách thức lớn, đòi hỏi phải có những giải pháp và cơ chế huy động các nguồn lực xã hội đầu tư vào Vạn Tường một cách hiệu quả.
Mô hình trung tâm Đô thị Vạn Tường. Ảnh: ĐL |
Là vùng đất lửa trong chiến tranh, Vạn Tường luôn vươn lên mạnh mẽ trong thời bình. Với sức sống mãnh liệt đó, cộng với sự đầu tư của Trung ương và tỉnh, sự đóng góp của các nguồn lực xã hội, hy vọng một đô thị Vạn Tường xanh, hiện đại, văn minh sẽ sớm hiện hữu, đáp ứng mong mỏi của người dân khu Đông Bình Sơn nói riêng và nhân dân cả tỉnh nói chung.
Đức Phổ - Thị xã phía nam
Khác với đô thị Vạn Tường, Đức Phổ được quy hoạch, xây dựng theo hướng trở thành thị xã thuộc tỉnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII. Trong Đề án và Chương trình phát triển đô thị của UBND tỉnh nêu rõ định hướng: “Xây dựng thị trấn Đức Phổ đạt các tiêu chí của đô thị loại IV, cùng với các đô thị mới: Trà Câu, Sa Huỳnh, Phổ Phong làm hạt nhân để đưa huyện Đức Phổ trở thành thị xã trực thuộc tỉnh”. Vì vậy, so với Vạn Tường, đô thị Đức Phổ có quy mô rộng lớn hơn và mang nhiều chức năng hơn.
Trung tâm thị trấn Đức Phổ. Ảnh: ĐL |
Theo đó, khu vực nghiên cứu lập đề án được xác định trên toàn bộ địa giới hành chính của huyện Đức Phổ bao gồm thị trấn Đức Phổ và 14 xã của huyện. Khu vực lựa chọn chấm điểm, so sánh với các tiêu chuẩn của đô thị loại IV là khu vực xây dựng tập trung, gồm thị trấn Đức Phổ và 6 xã phụ cận là Phổ Hòa, Phổ Văn, Phổ Quang, Phổ Ninh, Phổ Minh và Phổ Vinh, với tổng diện tích khoảng 90km2.
Khu vực thị trấn Đức Phổ mở rộng được xác định là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, thương mại, dịch vụ của huyện Đức Phổ, giữ vai trò là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Đức Phổ và cả vùng phía Nam của tỉnh.
Trong 4 năm qua (2010 - 2014) tranh thủ các nguồn đầu tư của Trung ương , của tỉnh và huy động các nguồn lực xã hội, cán bộ và nhân dân Đức Phổ đã tập trung xây dựng và hoàn thiện dần các tiêu chuẩn về chức năng đô thị; quy mô dân số và mật độ dân số đô thị; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp; hệ thống công trình hạ tầng và tiêu chuẩn kiến trúc, cảnh quan đô thị...
Thời điểm HĐND tỉnh ra Nghị quyết thông qua Đề án phân loại đô thị loại IV, thị trấn Đức Phổ mở rộng đạt tổng số 82,2/100 điểm. Đây là niềm vui lớn đối với người dân Đức Phổ. Từ cột mốc này, Đức Phổ sẽ nhận được sự đẩu tư thỏa đáng hơn của Trung ương và tỉnh; cán bộ, nhân dân trong huyện thêm động lực, quyết tâm trong xây dựng Đức Phổ sớm thành thị xã trực thuộc tỉnh, trở thành động lực mới của sự phát triển cả khu vực phía Nam của tỉnh.
Thanh Toàn