Nấn ná ở lại nơi sạt lở

04:11, 14/11/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- mưa bão đã đến, nhưng 18 hộ dân ở thôn Vĩnh Trà, xã Bình Thạnh (Bình Sơn) vẫn bất chấp nguy hiểm để ở lại vùng trũng vũng Bà Đà. Trong khi đó, hàng chục lô đất ở khu tái định cư (TĐC) Vĩnh Trà cao ráo, an toàn… thì lại chẳng được ai ngó ngàng.

TIN LIÊN QUAN

Cách 100m vẫn không chịu dời

Vũng Bà Đà là khu dân cư nằm ngay mé sông Trà Bồng, cách khu TĐC Vĩnh Trà chưa đầy 100m và là khu vực có nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào. Đứng ở vũng Bà Đà, phải “ngước” lên mới thấy được con đường bê tông và những nóc nhà nằm trong khu TĐC Vĩnh Trà bởi lẽ khu đất nền của vũng Bà Đà thấp hơn mặt bằng khu TĐC Vĩnh Trà từ  3 - 4m. Ấy thế mà, những hộ dân nơi đây dù đã được cấp đất trong khu TĐC vẫn nhất quyết bám trụ ở nơi cũ.

 Chuyển lên khu tái định cư đã 5 năm, nhưng các hộ dân vẫn phải câu nhờ điện vì chỉ mới có trụ điện chứ chưa có lưới điện.
Chuyển lên khu tái định cư đã 5 năm, nhưng các hộ dân vẫn phải câu nhờ điện vì chỉ mới có trụ điện chứ chưa có lưới điện.

 

Không chỉ khu TĐC Vĩnh Trà, xã Bình Thạnh, mà hệ thống thoát nước tại khu TĐC Trung Minh, ở thôn Bình An Nội, xã Bình Chánh (Bình Sơn) cũng bị hư hỏng. Cống tắc nghẽn, không thoát nước kịp, nên mùa mưa lũ năm nào, nước từ khu TĐC Trung Minh cũng đổ dồn về Bầu Chuốc, khu dân cư nằm ngay bên cạnh khu TĐC Trung Minh. Bị “vạ lây”, nên gần 100 ngôi nhà của xóm Bầu Chuốc thường xuyên bị ngập mỗi khi mưa lớn.
Lý giải nguyên nhân dù phải đối mặt với nhiều rủi ro khi ở lại vũng Bà Đà nhưng gia đình vẫn không có ý định muốn chuyển về nơi ở mới, chị Nguyễn Thị Nữ cho hay: “Nhận đất thì đã nhận rồi, nhưng tôi không muốn chuyển lên vì điện, nước ở khu TĐC chưa ổn định. Nhà dì tôi, dù đã chuyển lên 2-3 năm rồi, nhưng vẫn phải đi kéo nước, kéo điện nhờ, nên làm sao chúng tôi yên tâm đến ở?”

Ở lại chốn cũ, gia đình chị Nữ cùng 17 hộ dân khác phải đối mặt với tình trạng ngập úng và sạt lở. Trong đợt mưa lũ năm ngoái, 18 nóc nhà nơi đây, nhà nào cũng bị ngập hơn nửa vách. Hơn nữa, vũng Bà Đà bây giờ không chỉ chịu ảnh hưởng bởi nước từ sông dâng lên, mà còn là nơi hứng chịu nước từ khu TĐC Vĩnh Trà đổ xuống, bởi mặt bằng khu TĐC cao hơn hẳn so với vũng Bà Đà.

Bao giờ đáp ứng nguyện vọng của dân?

Chuyển nhà đến khu TĐC Vĩnh Trà đã 5 năm, nhưng ông Đỗ Tập vẫn phải kéo nhờ điện, nước từ nhà hàng xóm. Trước nhà ông Tập là hàng chục trụ điện được dựng sừng sững giữa trời, nhưng gia đình ông ngóng đợi đã mấy năm mà vẫn chẳng thấy điện đâu.
 
Không riêng gì hộ ông Tập, khu TĐC Vĩnh Trà hiện có đến 50 hộ dân sống trong cảnh không điện, không nước. Ngoài thiếu nước sinh hoạt, nhiều hộ dân nơi đây còn phải chật vật do hệ thống thoát nước tại nhiều điểm bị bồi lấp, tắc nghẽn… “Thiếu điện, thiếu nước, nhiều khu vực không có hệ thống thoát nước, nên bao nhiêu nước thải người dân xả hết ra bên ngoài gây ô nhiễm môi trường. Còn chỗ có hệ thống thoát nước thì nước cũng không thoát được vì bồi lấp, hư hỏng...”, ông Phạm Mến - Bí thư Chi bộ thôn Vĩnh Trà trăn trở.
Cột điện đã dựng lên gần 5 năm, nhưng 50 hộ dân ở Khu TĐC Vĩnh Trà vẫn phải chờ điện.
Cột điện đã dựng lên gần 5 năm, nhưng 50 hộ dân ở Khu TĐC Vĩnh Trà vẫn phải chờ điện.



Theo ông Đỗ Văn Lập - Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh: “18 hộ dân ở vũng Bà Đà sống dựa vào ngư nghiệp, vì vậy, địa phương đã ưu tiên bố trí đất ở vị trí gần sông để thuận lợi cho người dân yên tâm mưu sinh. Tuy nhiên, do mặt bằng TĐC hiện chưa có điện, nước… nên địa phương chưa thể thuyết phục người dân vào ở, dù mùa mưa bão đã đến”. Cũng theo ông Lập, dự án khu TĐC Vĩnh Trà với tổng diện tích gần 34 ha do Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất làm chủ đầu tư. Vì vậy, khi một số khu vực vẫn còn thiếu điện, nước…UBND xã Bình Thạnh đã kiến nghị với BQL nhiều lần để bàn hướng khắc phục. Nhưng vấn đề trên vẫn chưa được giải quyết thấu đáo.

Hiện tại, vì chưa thể thuyết phục người dân rời vùng sạt lở di chuyển lên khu TĐC, nên để đảm bảo an toàn cho 18 hộ dân vũng Bà Đà, UBND xã Bình Thạnh đành áp dụng phương án 2. Nghĩa là sẵn sàng túc trực, sơ tán người và tài sản của 18 hộ dân đến nơi an toàn khi có bão lũ, sạt lở xảy ra. Nhưng liệu “nước xa, có cứu được lửa gần”?


Bài, ảnh: Ý THU


.