(Baoquangngai.vn)- Mới bàn giao, đưa vào sử dụng, nhưng hệ thống nước sạch ở các khu tái định cư Đồng Bến Sứ, Cây Sến thuộc xã Tịnh Long (TP. Quảng Ngãi) đã hư hỏng. 200 hộ dân đành phải sử dụng nước từ giếng đóng. Điều đáng nói đây là khu vực nghĩa địa vừa di dời.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Là hộ đầu tiên chuyển tới khu tái định cư Đồng Bến Sứ vào cuối năm 2012 để nhường đất cho Dự án đường Sa Huỳnh- Dung Quất, gia đình ông Đoàn Thành Minh đã xây được ngôi nhà khang trang. Chưa mừng được bao lâu thì hệ thống nước sạch hư hỏng, ông đành phải về nơi ở cũ xin nước về dùng.
Ngại vì suốt ngày phải đi xin nước nên ông đành đóng cái giếng dẫu thừa biết vùng đất này trước đây là nghĩa địa. Vừa sử dụng lại vừa lo cho sức khỏe. “Biết đây là đất nghĩa địa, nhưng cũng phải uống chứ đi xin nước miết cực quá. Chúng tôi chưa kịp mừng đã lo.”- ông Minh than thở.
Dù có hệ thống nước sạch, nhưng nhiều gia đình chẳng sử dụng được. |
Gia đình ông Tô Minh Diệt cũng lâm vào cảnh tương tự. Mỗi ngày ông phải đi chở 2 thùng 60 lít nước để 7 người trong gia đình sử dụng. Với lượng nước ít ỏi như thế, gia đình phải chắt chiu để nấu, rửa thức ăn, còn nước giếng dùng để tắm, giặt.
Ông Diệt bức xúc: “Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần, nhưng chẳng thấy ai tới sửa chữa. Nước từ giếng đóng không biết nhiễm chất gì mà mùa hè giặt áo trắng ra áo vàng. Mình già rồi không sao chứ mấy đứa nhỏ sợ chúng nhiễm bệnh. Còn nước từ hệ thống nước sạch lúc có cũng đục ngầu, tanh rình ai dám uống?”.
Đi sâu vào các khu tái định cư Đồng Bến Sứ, Cây Sến, chúng tôi ghi nhận tình cảnh dở khóc dở cười của người dân khi sống trong các ngôi nhà khang trang, nhưng phải uống nước bẩn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Văn Ba- Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Long cho biết, để thực hiện dự án đường Sa Huỳnh - Dung Quất đoạn, xã Tịnh Long có khoảng 200 hộ dân phải di dời đến 4 khu tái định cư mới, trước đây là nghĩa địa.
Nước từ hệ thống nước sạch đục ngầu, ngã vàng, bốc mùi tanh, hôi. |
Hệ thống nước sinh hoạt này do Chủ đầu tư là Sở Giao thông Vận tải xây dựng. Từ khi bàn giao cho địa phương vào cuối 2013 đến nay, công trình thường xuyên gặp sự cố, trục trặc, đường ống nước, van trong các khu dân cư thường xuyên bị vỡ.
Để vận hành công trình nước, địa phương ký hợp đồng với hai nhân viên và trả theo mức lương tối thiểu, cộng với tiền điện, mỗi tháng xã phải tạm ứng chi trả gần 5 triệu đồng. Tuy nhiên, công trình không phát huy hiệu quả. Theo nhân viên vận hành, hư hỏng hầu hết xảy ra ở đường ống cấp 2.
Mặc dù đã nhiều lần kiểm tra nhưng vì ống nước hư hỏng nên chỉ có 22 hộ sử dụng mà bể nước 80m3 chỉ sau một ngày một đêm là hết sạch. Trong khi đó, tiền của người dân chưa thu được nên xã rất khó khăn.
“Không chỉ hư hỏng, nước còn bị đục và hôi. Địa phương đã rất nhiều lần kiến nghị chủ đầu tư, nhưng việc khắc phục rất chậm. Sắp tới, địa phương sẽ làm báo cáo và kiến nghị trả lại cho chủ đầu tư để khắc phục”, ông Ba nói.
Về phía chủ đầu tư lại cho rằng, do địa phương vận hành và bảo quản kém nên mới xảy ra sự cố như trên. Chiều 27.10, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải đã có buổi kiểm tra thực tế. Ông Hà Hoàng Việt Phương- Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải khẳng định: Chúng tôi đang thực hiện khắc phục sự cố, sẽ sớm hoàn thành để dân có nước sạch sử dụng.
Bài, ảnh: Ái Kiều