(Báo Quảng Ngãi)- Chứa nhiều hàng hóa có nguy cơ cháy nổ, nhưng hàng trăm xưởng tái chế lốp xe ở thôn Hòa Bình, xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) vẫn không được trang bị bất cứ thiết bị phòng cháy chữa cháy nào. Thậm chí, sau khi xảy ra hỏa hoạn thiệt hại nửa tỷ đồng, chủ cơ sở vẫn dửng dưng với công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC).
TIN LIÊN QUAN |
---|
Trả giá đắt
Đầu tháng 9 vừa qua, một trận hỏa hoạn kinh hoàng đã thiêu rụi hoàn toàn nhà xưởng tái chế lốp xe kiên cố, rộng hơn 150m2 của anh Lê Văn Hân (thôn Hòa Bình, xã Nghĩa Hòa). Vẫn còn bàng hoàng sau tai nạn, anh Hân thảng thốt: “Đám cháy xảy ra lúc 2 giờ 30, nhưng phải đến 5 giờ mới dập tắt được, dù 6 xe chữa cháy đồng loạt phun nước. Mấy chục tấn sản phẩm từ lốp xe sắp xuất xưởng bị cháy rụi, ngay cả nhà xưởng kiên cố mà cũng bị vỡ vụn sau đợt cháy”.
Sau hỏa hoạn, xưởng của anh Lê Văn Hân vẫn chưa trang bị thiết bị PCCC. |
Được xây dựng ngay sau lưng nhà ở, xưởng tái chế lốp xe của anh Lê Văn Hân ngày nào cũng chứa từ 30-40 tấn sản phẩm làm từ cao su. Kinh doanh mặt hàng dễ xảy ra cháy nổ gần 20 năm trời, nhưng anh Hân không hề đầu tư bất cứ trang thiết bị PCCC nào. Vậy nên khi đám cháy xảy ra, gia đình anh chỉ kịp tìm đường thoát thân để bảo vệ tính mạng, chứ không có cách nào dập tắt đám cháy, bảo toàn tài sản.
Tròn 1 tháng sau trận cháy, sau khi dọn dẹp xong tàn tích là 10 tấn xỉ than đen ngòm, bám chặt dưới sàn nhà, anh Hân lại tiếp tục vay mượn tiền để xây dựng nhà xưởng mới. Tuy đã từng thiệt hại hơn 500 triệu đồng vì hỏa hoạn, nhưng giờ đây, cơ sở vẫn chưa trang bị bất cứ phương tiện PCCC nào trong xưởng.
Nhưng chưa “mua” được kinh nghiệm
Không phải chỉ năm nay, làng nghề tái chế lốp xe Nghĩa Hòa mới xảy ra hỏa hoạn, mà tình trạng này đã diễn ra trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, sau hàng loạt trận hỏa hoạn, vẫn chẳng có cơ sở tái chế nào trang bị thiết bị PCCC. Dẫn chúng tôi đi thăm xưởng tái chế lốp xe của ông Nguyễn Trầm, ông Nguyễn Chí Thanh - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hòa cho biết: “Trong số hơn 100 hộ làm nghề tái chế lốp xe tại địa phương, chỉ có xưởng tái chế này là có thiết bị chữa cháy”. Tuy nhiên, theo chủ cơ sở Nguyễn Trầm, với diện tích xưởng hơn 1000m2, thì 6 bình chữa cháy trên vẫn không đủ để dập tắt đám cháy nếu có hỏa hoạn xảy ra. Biết được điều đó, nhưng vì đang thời buổi kinh tế khó khăn, giá mỗi bình chữa cháy lên đến tiền triệu, nên ông Trầm chỉ có thể đầu tư cầm chừng.
Tại nhiều xưởng tái chế lốp xe ở Nghĩa Hòa, trong môi trường làm việc toàn những thứ dễ bắt lửa như lốp xe, vụn cao su… nhưng nhiều nhân công vẫn thản nhiên hút thuốc lá. Dưới nền xưởng chật hẹp, từng chồng sản phẩm từ lốp xe như dây cao su, gàu múc nước, dép cao su… chất cao quá đầu người. Có những xưởng vì không có đất nên tận dụng luôn khu vực phía sau nhà ở để làm nơi tái chế. Vì vậy, khi có hỏa hoạn xảy ra, đội cứu hỏa rất khó để tiếp cận được hiện trường.
Sống bên cạnh các xưởng tái chế lốp xe, người dân thôn Hòa Bình không chỉ “cắn răng” chấp nhận sống chung với mùi cao su, mà còn thấp thỏm không yên trước ẩn họa cháy nổ. “Hôm xảy ra cháy ở xưởng tái chế của ông Hân, mùi khói bốc lên khét tới nỗi chúng tôi đều bị chóng mặt. Chim cảnh nuôi trong lồng cũng chết hàng loạt. Vậy nên sống cạnh mấy xưởng tái chế này, chúng tôi vừa ngủ vừa run”, bà Trương Thị Mai, thôn Hòa Bình, xã Nghĩa Hòa bộc bạch.
Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch xã Nghĩa Hòa trăn trở: “Sau vụ cháy xưởng của anh Lê Văn Hân, địa phương lập tức mời các hộ có cơ sở tái chế lốp xe đến làm việc để tuyên truyền về công tác PCCC. Trước đó, trong các cuộc họp KDC, địa phương cũng lồng ghép tuyên truyền. Nhưng người dân chưa thật sự ý thức được tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn PCCC”.
Bài, ảnh: Ý THU